Khổng Minh và Tư Mã Ý


Loạn thời Tam Quốc khởi đầu là bởi ba anh em nhà họ Trương. Trong khoảng thập niên 170 – 180, nước tàu gặp nạn phong dịch thời khí, người chết, người bị bệnh, cứ từng hàng loạt. Hồi đó anh cả họ Trương là Trương Giốc vốn là người quận Cự Lộc (nước Triệu xưa) vào núi hái thuốc rồi một hôm về nhà đặt điều kể lại là trong núi đả được gặp Nam Hoa lảo tiên tặng cho ba quyển thiên thư dạy đủ cả nào là phép hô phong hoán vũ nào là phương thuật cải tử hoàn sinh cứu người đả chết đi, được sống lại. Trương Giốc bắt đầu từ ngày đó, tự xưng là Thái Bình đạo nhân, đi khắp mọi nơi để giảng đạo rồi phân phát bùa chú cùng nước phép nước ngải cho những người đến nghe mà không chịu lấy tiền. Những người được phát đồ không, sau này được khỏi bệnh hoặc hết bị ốm đau, liền coi đó là nhờ ở phép thuật của Trương Giốc và vì thế họ trở lên rất sùng tín, đua nhau lập bàn để thờ ở ngay trong nhà, kính cẩn coi Giốc như một bực thánh. Trương Giốc được như thế mới truyền nghề cho năm trăm đồ đệ rồi gửi họ đi tới tám quận nước tàu để thuyết đạo và chiêu mộ tín đồ. Người theo đông đảo, Trương Giốc mới chia họ ra làm 36 phường, mỗi phường cử một người “cừ  soái” cai quản. Có tổ chức sẵn sàng đâu đó, năm 184 là năm Giáp Tý Trương Giốc mới cùng hai em là Trương Bảo cùng Trương Lương quyết tâm nổi loạn ( năm Giáp tý là năm mở đầu kỷ nguyên vì năm đó, cả can lẫn chi đều bắt đầu trở lại, chỉ sáu mươi năm mới gặp lại một lần như vậy; Trương Giốc vin vào đó mà bảo là đả tới lúc phải thay đổi triều đại, đạp đổ nhà Hán ). Giặc Khăn Vàng, quân của họ Trương, đông gần nửa triệu, vùng đứng lên trong cùng một ngày để đi phá phách chiếm đồn chiếm ải ở khắp mọi nơi. Triều đình nhà Hán trở tay không kịp, đành để địa phương tùy nghi xoay sở, có quyền trưng mộ nghĩa quân để tự động phòng ngừa. Do đó, trấn nào kiên trì đánh thắng được đồ đảng Khăn Vàng, trấn đó đương nhiên trong thực tế trở thành tự trị. Lưu Bị Tào Tháo Tôn Kiên là những kẻ hào kiệt đã nhân dịp đó hoặc tình nguyện xin triều đình cử đi đánh nhau hoặc đứng ra kêu gọi anh hùng, họp nhau lập thành hàng ngũ rồi tới xin cộng sự với quân đội các trấn để bảo vệ thành trì cùng là dẹp giặc. Từ đó họ được nổi danh, tên tuổi được cả nước, ai ai cũng biết.

Tào Tháo văn võ toàn tài, trước đó hồi mới có hai mươi tuổi đả đỗ Hiếu Liêm (tương đương với cử nhân sau này) rồi được cử làm đô uý Lạc Dương. Từ đó Tháo leo thang dần dần lên được tới chức quan lệnh ở Ðốn Khâu. Có giặc Khăn Vàng, Tháo tình nguyện xin đi đánh giặc và  được bổ làm kỵ đô úy (chủ tướng đoàn quân kỵ mã) đi tiên phong dẹp giặc. Tháo thắng được nhiều trận nên sau được đặc cách cử lên làm Tế Nam tướng. Tôn Kiên cũng có công đánh dẹp trong dịp này, lại khéo chạy, đầu tiên được bổ làm quận tư Mã, sau lại được lảnh trách nhiệm đi đánh dư đảng Khăn Vàng một lần nữa trong vùng Ðông Ngô. Xong xuôi trở về, Kiên được bổ làm thái thú quận Trường-Sa, phong tước Ô Trình hầu. Chỉ có Lưu Bị đánh giặc Khăn Vàng dẫu đả chém được nhiều tướng giặc, lượm được nhiều thành tích vẻ vang nhưng vì ngờ nghệch không biết cách thức để được ghi công lại thiếu kẻ đỡ đầu nên mỏi mồm xin mà mãi sau này mới chỉ được một chân uý quèn coi một huyện nhỏ tức là huyện An Hỷ. Nhưng vừa làm được mấy tháng là Bị bị thanh tra Ðốc Bưu tới vòi tiền. Trương Phi là em kết nghĩa với Lưu Bị nổi nóng cho Ðốc Bưu một trận đòn nên thân. Vì thế Lưu Bị phải bỏ chức rồi cùng hai người em kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi đi lánh nạn, tới ở trong nhà một người bà con là Lưu Khôi hồi đó đang ở Ðại châu. Khôi làm to nên chẳng ai dám đứng ra tố cáo, mặc dầu công văn của trào đình đả được gửi đi khắp nơi để truy nả. Ít lâu sau giặc Khăn Vàng lại bùng phát, Lưu Khôi mới tiến cử Lưu Bị cho Lưu Ngu, lúc đó vừa được cử làm tổng chỉ huy các cuộc đánh dẹp. Lưu Ngu ban cho Lưu Bị chức đô uý. Sau này Bị thắng trận cắt được đầu giặc Ngu mới đỡ đầu xin cho Bị được làm quan lệnh đất Bình Nguyên. Nên nhắc lại Lưu Ngu lúc đó được tăng chức lên làm thái úy (ngang như bộ trưởng bộ quốc phòng bây giờ) nên hồ sơ của Lưu Bị lần này được xúc tiến mau lẹ không ai dám ngâm lại, để chờ vi thiềng.

Tới năm năm sau tức là năm 189, giặc Khăn Vàng và dư đảng vừa mới được dẹp tắt hẳn thì vua Linh Ðế nhà Hán lại lăn ra chết. Linh Ðế có thái tử là con bà hoàng hậu họ Hà. Sau này sinh thêm một hoàng tử nữa nhưng người mẹ vừa đẻ ra là bị Hà hậu thông lưng với bọn hoạn quan đầu độc không cho sống. Mẹ của Linh Ðế là Ðổng thái hậu mới mang đứa trẻ về nuôi ở ngay trong cung của mình. Lúc Linh Ðế mất, bà Ðổng thái hậu muốn đưa hoàng tử mình đang dạy dỗ chăm sóc được lên làm vua nhưng em Hà hậu là Ðại tướng quân Hà Tiến nhanh chân cùng các quan vào cung đưa người thái tử lên ngôi và cùng lúc đó sai Viên Thiệu đi giết Kiển Thạc là người hoạn quan chủ mưu lo việc cho Ðổng thái hậu. Sau này Ðổng thái hậu tự tiện ra triều quyết định công việc. Hà Tiến mới sai người bắt đem đi đầy rồi giết đi ở đó. Luôn thể Tiến giết cả em của Thái hậu là Biên kỵ tướng quân Ðổng Trọng. Bọn hoạn quan mà sử gọi là bọn Thập thường thị muốn thừa dịp lấy lại quyền hành nên mới họp nhau moi chuyện đó ra hòng khép Hà Tiến vào tội ám sát Ðổng thái hậu cốt để trừ đi. Ðược tin đó Hà Tiến vào tận trong cung để khu trừ bọn đó cho hết hậu hoạn nhưng bị người chị giờ đó là bà thái hậu mẹ vua, ngăn lại không cho hạ thủ. Hà Tiến trước đó chỉ là nhà hàng bán thịt lợn nhưng vì nhờ có bà chị này nên mới được cử lên làm đại tướng và bởi đó không dám trái ý. Bà Hà thái hậu ngày xưa vì nhờ có bọn hoạn quan này nên mới được vào ngủ với vua Linh Ðế để rồi sinh con rồi cũng dựa vào bọn ấy nên mới trừ khử được hết các phi hậu kình địch nên nhất thiết bảo vệ, bênh vực cho những kẻ mình trước đây đả chịu ân. Hà Tiến không dám tự mình ra tay nữa, mới bí mật gọi quân các trấn về để dẹp địch thay hộ mình. Có lời gọi, Tế bắc tướng là Bảo Tín, thứ sử Kinh châu là Ðinh Nguyên mỗi người mang một cánh quân về triều. Riêng về phần Tây Lương thì thứ sử là Ðổng Trác nhân dịp đó dấy hết quân đội dưới quyền hết thảy là 20 vạn người để mang cả về kinh đô tính truyện đại sự. Trước đó Trác làm thái thú quận Hà Ðông đánh giặc Khăn Vàng bị thua may được Lưu Bị dọc đường cứu cho khỏi chết. Nhưng Trác khéo luồn lọt nên sau này không những không bị mất chức mà còn được cử làm thứ sử Tây Lương tước Tiền tướng quân Lương ngao hầu. Mang quân về, trước khi tới kinh đô, Trác dâng biểu loan báo trước là về để trừ loạn hoạn quan, làm như thế hòng gây sẵn cho mình một hậu thuẫn ở ngay trong triều. Bọn Thập thường thị đọc biểu, thấy cơ nguy tới ngay trước mắt bèn cùng nhau nhất định ra tay, hạ thủ trước. Bọn đó bảo bà Hà thái hậu gọi Tiến vào trong cung rồi phục người sau cửa để giết chết rồi quẳng đầu qua tường mong dọa những kẻ tùy tùng là Viên Thiệu, Viên Thuật, lúc đó đang đứng đợi ở ngoài. Anh em họ Viên không những không sợ mà còn liều chết bất kể lệnh cấm, đốt cửa cung rồi dẫn quân thúc thẳng vào trong nội, đuổi giết bọn hoạn quan ở trong đó. Cung thất náo loạn một vài anh hoạn quan còn sống sót liền mang vua mới, cùng với người hoàng tử đi chạy trốn. Giữa đêm thì gặp Ðổng Trác đang trên đường tới kinh đô. Trác đưa anh em vua trở về Lạc Dương rồi thừa dịp lúc chỉ có quân mình đông đảo, đem việc phế vua mới ra bàn. Trác muốn phò người em vì lúc đó vị hoàng tử này mới có chín tuổi mà lại mồ côi cả mẹ lẫn cả bà (tức là Ðổng thái hậu) và Trác mong rằng như thế sẽ dễ chi phối hơn là vua mới có bà Hà thái hậu đứng đỡ đầu ngay sau lưng. Thứ sử là Bảo Tín thấy phe mình ít oi không đủ sức để đứng lên ngăn cản liền bỏ kinh đô về quận cũ còn thứ sử Kinh Châu là Ðinh Nguyên thì ngược lại mang quân tới thách đánh với Trác. Ðinh nguyên có một người bộ tướng có sức khỏe muôn người khôn địch là Lả Bố. Nhưng Ðổng Trác dùng vàng bạc quà cáp mua chuộc Lả Bố khiến giết chết chủ tướng rồi xúc tiến việc phế lập, phò vị hoàng tử trẻ lên ngôi tức là vua Hiến Ðế sau này. Xong xuôi Trác đương nhiên ra nắm lấy chức tể tướng rồi thả cửa phân phát lợi lộc quyền hành cho các bộ hạ quân tướng của riêng mình. Các quan trong triều thấy vậy mới họp nhau để tìm cách chống lại. Trong buổi họp Tào Tháo đứng ra tình nguyện, xin thân đến ám sát Ðổng Trác. Việc không thành Tháo phải trốn về nhà mình ở Trần Lưu rồi một mặt, dùng tiền của Vệ Hoằng là một nhà tỷ phú ở miền đó để chiêu tập binh mã anh hùng cùng một mặt, gửi hịch đi mọi nơi hô hào quân các trấn kíp tới liên minh để đánh Ðổng Trác. Quân các trấn tụ họp, đầu tiên tiến đánh Dĩ Thủy Quan rồi sau phân ra làm hai một nửa tiếp tục đánh ở đó, một nửa đi vòng tới Hổ Lao Quan để đánh thốc vào Lạc Dương ở gần ngay cạnh. Hổ Lao Quan thời Xuân Thu là thành Bức Dương rất là hiểm trở. Bố của Khổng Tử là Thúc Lương Ngột được nổi danh dũng mãnh vô địch là ở đấy. Trước ải Hổ Lao tướng của Ðổng Trác là Hoa Hùng ra cự, tướng của các trấn tới đánh đều bị thua hết. Sau rốt Quan Công tình nguyện ra trận, chỉ vài hiệp là lấy ngay được đầu Hoa Hùng. Hoa Hùng chết, mãnh tướng vô địch đả theo về với Ðổng Trác là Lả Bố phải tự ra quân nhưng bị Lưu, Quan, Trương ba người xúm lại cùng đánh. Nhất hổ bất địch quần hồ, một chống lại ba nên chỉ một lúc là Lả Bố đuối sức phải bỏ chạy về thành. Ðổng Trác không cho quân ra nữa mà khiến cứ cố thủ ở Hổ Lao chặn quân các trấn lại, không cho tiến lên. Nhưng ít lâu sau, vì thiếu lương nên Trác mới phải tiêu thổ kháng chiến, đốt thành Lạc Dương để đem vua từ đó rút về Tràng An trong miền Thiểm Tây gần Tây Lương là cái căn cứ chính của mình để tiện việc tiếp tế. Hai năm sau tức là năm 192, có quan tư đồ là Vương Doản dùng mỹ nhân kế giết được Ðổng Trác. Ðầu tiên Doản cho người con nuôi là Ðiêu Thuyền vào làm nàng hầu cho họ Ðổng. Sau đó Ðiêu Thuyền ở trong tư dinh chài Lả Bố cho đến say đắm mê mệt rồi xúi người tình giết chết chủ súy của mình. Kịch “Lả Bố hý Ðiêu Thuyền” là lấy ở đây ra. Họ Ðổng bị giết, thiên hạ ăn mừng vì trước khi thiên đô vào Tràng An, Trác đả cho quân đi bắt hàng ngàn phú hộ ở kinh đô Lạc Dương, đổ tội cho là tư thông với lảnh tụ các trấn để có cớ mà mang ra chém rồi mượn gió bẻ măng sai người đến tịch biên chiếm hết của cải cùng vợ con của họ. Trác lại đồng thời sai quân tướng của mình chia nhau đi quật mồ mả của những kẻ quan liêu nhà giầu để moi hết ra vàng bạc châu báu chôn ở dưới đó. Trên đường đi tới Tràng An, bộ đội của Trác không có kỷ luật, tiếng là đi để bảo vệ dân chúng di cư nhưng dọc đường thả cửa lợi dụng tình thế để đánh đập hiếp tróc cho tới khi lòi tiền cùng vàng bạc châu báu ra thì mới thôi. Trác do đó trở thành giầu có, nứt đố đổ vách, lúc bị giết khi nhân viên chính phủ tới tịch biên, đếm ra thì vàng lên tới có chừng mươi vạn lạng, bạc thời quá trăm vạn, ngoài ra còn những gấm vóc châu ngọc mang ra chất ở giữa sân làm thành từng núi.

Về phần các trấn, dẫu ngoài miệng ai cũng nói là tôn phò nhà Hán nhưng trong bụng người nào cũng chỉ lăm lăm muốn lợi dụng tình thế để hoặc thu lấy quyền bính trong tay, hoặc đứng ra tự trị xưng vương xưng bá vì vậy mà chẳng bao lâu liên quân tan rả, đánh lộn với nhau rồi bỏ đi, mỗi người mỗi ngả. Trên dọc đường về, vì không còn có sự kiểm soát của trung ương cho nên hễ qua chỗ nào thấy giầu có béo bở là lập tức họ xà vào đóng chiếm và cứ như thế cho nên chẳng bao lâu nước tầu bị phân phối chia xẻ, các thủ lĩnh mỗi người hùng cứ một phương : Công Tôn Toản ở U Châu, Tào Tháo ở Duyện Châu, Trương Tú ở Uyển Thành, Viên Thuật ở Hoài Nam, Lưu Biểu ở Kinh Châu, Trương Lỗ ở Hán Trung, Lưu Yên ở Ich Châu (Tứ Xuyên) và Mã Ðằng Hàn Toại ở Tây Lương. Lớn nhất là Viên Thiệu là người trước đó đả được các trấn bầu làm minh chủ. Viên Thiện đánh úp bạn đồng liêu là Hàn Phức rồi sau đấy chiếm được cả một giải Thanh Ký Châu tức là bao gồm đất đai của cả nước Tề và nước Triệu ngày xưa,

Trong lúc bấy giờ ở kinh đô Tràng An, tướng cũ của Ðổng Trác là Lý Thôi cùng Quách Dĩ xin triều đình ân xá mà không được, mới mang quân trở về dùng mưu đánh thua Lả Bố rồi giết luôn Vương Doản. Lả Bố thua phải chạy tới làm tướng cho Viên Thuật là thái thú quận Nam Dương. Còn Lý Thôi Quách Dĩ sau khi đả chiếm lại được kinh đô mới ăn hiếp vua Hiến Ðế, đòi chức gì vua Hán cũng phải cho. Ít lâu sau Lý Thôi Quách Dĩ bắt đầu tranh dành và vì mải đánh nhau nên để triều đình Hán thừa cơ đưa vua rời được Tràng An để đi trốn, đầu tiên ẩn ở Hoằng nông sau rốt trở về lại được Lạc Dương. Trong khi đi đường vua bị Lý Thôi, Quách Dĩ họp nhau đuổi theo kíp quá nên mới phải gọi quân tướng ở vùng Hà Ðông tới giúp chặn Khôi Dĩ lại. Trong đám này có Lý Nhạc trước đó làm giặc chốn sơn lâm. Sau khi bảo vệ được vua Hiến Ðế về tới Lạc Dương Lý Nhạc trở thành nhũng nhiễu, còn quá Lý Thôi Quách Dĩ.  Ðòi vua ban chức tước một loạt cho hơn hai trăm người vừa đầy tớ vừa thầy bùa vừa lang băm, kẻ thì Hiệu uý kẻ thì thứ sử. Ấn mới đặt ra quá nhiều, thợ nghề không kịp thì giờ khắc, mà phải lấy dùi vạch thẳng vào gỗ cho nó nhanh. Trào đình từ đó chẳng còn thể thống quốc gia gì nữa. Cùng quá vua Hiến Ðế mới phải mật vời Tào Tháo từ Duyện Châu đến giúp. Tào Tháo đến trên dọc đường đẩy lui được bọn Lý Thôi Quách Dĩ còn Lý Nhạc thì bị tướng cũ của hai người này ám sát giết chết. Tào Tháo lấy cớ là Lạc Dương bị tàn phá không còn dinh thự dân cư gì nữa nên mới mang vua thẳng về Hứa Xương để tiện việc giữ nhà. Năm vua trở lại Lạc Dương trước cảnh đổ vỡ mới muốn kiến thiết xây dựng lại, nên đem đổi niên hiệu gọi là thời Kiến An – thời xây dựng hòa bình. Năm ấy tức là năm 196.

Ta nên nhắc qua hành trình từ trước tới đó của Tào Tháo. Sau khi bỏ liên quân các trấn về hồi năm 190, Tháo trở thành thái thú Ðông Quận. Trước đó thái thú quận này là Kiều Mạo. Mạo bị Lưu Ðại là thái thú Duyện Châu giết chết vì Ðại đang cần lương tiếp tế mà Mạo khăng khăng không chịu cho. Giết xong Kiều Mạo, Ðại bỏ đi trở về Duyện Châu. Ðông Quận  bỏ ngỏ nên Tháo mới lợi dụng tới đóng. Chiếm được quận này rồi Tháo mới vận động nhờ Viên Thiệu đỡ đầu để được triều đình ban cho cái ấn thực thụ. Sau đó vì có dư đảng của giặc Khăn Vàng lại nổi lên nên Tháo được cử đi đánh dẹp. Ðánh thắng Tháo được phong làm Trấn Ðông tướng quân được coi tất cả các quận trong vùng này nên mới dời từ Ðông Quận tới Duyện châu đặt làm căn bản.  Từ đó Tháo bỏ tiền hô hào kêu gọi được vô số anh hùng về giúp. Bố Tháo trước đó đả phải tản cư ra miền Lang gia ở Tề gần biển. Tháo được định chốn mới sai người đi mời về. Qua Từ Châu được thứ sử là Ðào Khiêm tiếp đón ân cần rồi cử một người tướng đi kèm để tiễn ra tới ngoài địa phận. Trên đường tướng của Từ Châu thấy bố của Tào Tháo có quá nhiều vàng bạc nên máu tham nổi lên, đang đêm vào giết hết gia đình của Tháo để lấy của rồi trốn đi làm giặc. Tháo đang muốn đi chinh phục cả nước tàu liền lấy cớ phục hận cho cha, đem quân tới đánh Từ châu. Ðào Khiêm gọi Lưu Bị từ Bình Nguyên tới giúp rồi tiện dịp đó trước khi ốm chết nhường ấn cho Lưu Bị để nhờ bảo vệ cho gia đình con cháu. Tháo đang vây đánh Từ Châu thì ở nhà bị Lả Bố tới đánh úp. Bố trước đó đả về làm với Viên Thuật nhưng bị Viên Thuật đuổi, sang làm việc với Viên Thiệu cũng không ổn, đang lúc lưu lạc nay đây mai đó thì gặp được người mưu sĩ là Trần Cung. Cung xui Bố lợi dụng lúc Tào Tháo vắng nhà tới đánh lấy Duyện Châu để làm chỗ an thân. Tháo bỏ vây Từ châu trở về bảo vệ Duyện châu đánh Lả Bố thua rồi tiện dịp đi chinh phục được cả vùng Dĩnh Xuyên Nhữ Nam để làm chủ cả một miền Sơn Ðông. Lả Bố không có chỗ trú phải về ở nhờ với Lưu Bị.

Tháo từ khi được triều đình gọi về liền nắm giữ binh quyền tự cho mình chức thừa tướng. Có được danh chính ngôn thuận nên Tháo từ lúc đó mới thân đi dẹp loạn, thu phục anh hùng từ 196 cho tới năm 200 dần dần đánh tan được Lý Thôi Quách Dĩ, Mã Ðằng Hàn Toại, Trương Tú, Lả Bố, Lưu Bị, Viên Thuật, thâu gồm được khắp đất đai từ lưu vực phía nam sông Hoàng Hà cùng lưu vực sông Hoài sông Tứ  cho tới bờ sông Hán sông Giang. Ðủ mạnh, năm 200 Tào Tháo mới vượt qua sông Hoàng để lên phía bắc phá tan quân Viên Thiệu mặc dầu quân lính của Thiệu đông gấp bốn quân của họ Tào. Các sứ quân bị Tào Tháo lấy đất đều bị tử nạn trừ mỗi Lưu Bị.

Về phần Lưu Bị, Bị được nổi tiếng trọng nghĩa đáng tin lại được hai người em kết nghĩa là Quan Công và Trương Phi là anh hùng vô địch luôn ở bên cạnh để bảo vệ tính mạng cho nên dù bị lên voi xuống chó nhưng rồi bao giờ cũng có người cứu giúp cho ở độ. Lưu Bị đến cứu Ðào Khiêm thì được Ðào Khiêm nhường không cho đất Từ Châu. Sau này bị Viên Thuật đến đánh thì được có Lả Bố ở bên cạnh bênh vực, bị Lả Bố cướp mất Từ châu thì về được với Tào Tháo. Tháo thu nhận Bị rồi giao cho quản lảnh đất Dự Châu để phòng ngừa Lả Bố. Tào Tháo sau này họp binh với Lưu Bị để dẹp tan Lả Bố rồi mang Lưu Bị về Hứa đô để tiện việc kiểm soát. Cái điều buồn cười là Lưu Bị có công dẹp giặc Khăn Vàng trước sau bao nhiêu lần thì vẫn chỉ lẹp tẹp được làm huyện uý, huyện thừa rồi thăng Bình nguyên lệnh nhưng vẫn chỉ là hàng huyện mà thôi. Sau đó, khi Tào Tháo muốn xúi giết Lả Bố thì lập tức thăng cho làm Trấn Ðông tướng quân lảnh Từ Châu mục. Lả Bố bị diệt, Tháo đưa Bị về triều, gặp dịp vua Hiến Ðế lúc đó đả bắt đầu khôn lớn, đang muốn tìm người để kiềm chế Tháo nên liền nhận họ nhận hàng đem gia phả ra so sánh rồi tôn lên là hoàng thúc tức là chú vua rồi phong ngay cho chức Tả Tướng quân tước Nghi Thành Ðình hầu, chả phải làm gì cả mà hôm trước hôm sau đương nhiên trở thành nhất phẩm trào đình dễ dàng êm ấm.

Cho hay bên tàu ngày xưa vì cứ theo chế độ quân chủ chuyên chế cho nên chỉ dựa vào tài và vào công thì chầy vẩy ra mới có được một chức việc nho nhỏ, trái lại nếu được nhà vua hay người nhân chủ muốn dưa vào mình để bảo vệ quyền lợi của riêng cho họ thì tha hồ mà được chức được tước. Cái phiền là chức nhỏ thì ở yên còn lên to thì không những hôm trước hôm sau đầu có thể bay mà nhà cửa cùng vợ con cũng có thể trong chớp mắt là bị mất hết.

Bị ở với Tháo muốn không bị giết mới bầy ra chuyện làm vườn trồng rau. Sau này nhân dịp Viên Thuật bị người dưới làm phản muốn bỏ lên bắc ở cùng với người anh là Viên Thiệu, Lưu Bị mới xin Tháo cho quân, tình nguyện về lại Từ châu để có thể đón đường mà bắt Thuật. Bị chặn được nhưng thắng trận đầu chưa kịp đánh trận thứ nhì thì Viên Thuật đả bị ốm chết. Người dưới của Thuật cắt đầu đem dâng thẳng cho Tào Tháo để lấy công. Bị sau đó trở lại Từ châu lấy đó làm căn bản mà không về kinh đô phục mệnh Tháo nữa. Ít lâu sau Tào Tháo mang quân tới đánh. Bị không địch nổi phải chạy sang nương nhờ Viên Thiệu. Tháo tới đánh Viên Thiệu thì Lưu Bị lại chuồn được trước để về sống cùng Lưu Biểu. Khi Lưu Bị thua Tào Tháo ở Từ châu, Quan Công vì có trách nhiệm giữ gìn vợ con cho Bị nên phải hàng Tào. Quan Công hàng với điều kiện là nếu Lưu Bị còn sống thì Tháo phải cho mình đi tìm để theo về. Tháo thích Quan Công từ buổi chém được Hoa Hùng nên bằng lòng. Quan Công được Tháo gửi lên đánh Viên Thiệu chém được hai mãnh tướng vô địch là Nhan Lương và Văn Xú. Tháo liền thưởng công phong cho làm Hán Thọ Ðình hầu. Quan Công ở với Lưu Bị chém được Hoa Hùng mà Mã cung thủ thì vẫn là Mã cung thủ. Ở với Tào Tháo, vừa chém tướng địch là được ngay phong hầu. Nhưng Quan Công theo Lưu Bị vì nghĩa nên sau này được tin Bị đang ở với Viên Thiệu, Quan Công nhất quyết bỏ đi. Tháo ngoài mặt giữ lời hứa cho đi nhưng bên trong ngầm bảo các tướng coi ải quan tìm mọi cách hoặc giữ lại hoặc giết đi. Quan Công phá mọi cạm bẫy khu trừ được hết, lừng danh “quá ngũ quan trảm lục tướng” là nhân ở dịp này.

Về phần Lưu Biểu, Lưu Biểu trước đó có gửi Ðinh Nguyên mang quân về triều nhưng Nguyên bị Ðổng Trác xúi Lả Bố giết chết nên sau này Biểu không còn dủ quân để có thể tới họp cùng các trấn mà chỉ cứ ngồi nhà giữ vững chín quận của miền Kinh Châu do mình quản lảnh. Kinh Châu tức là đất nước Sở cũ. Ðất Kinh Sở nhờ đó được tương đối bình yên vô sự. Bởi vậy cho nên các đại gia đều gửi gia đình con cái di cư chạy loạn về miền đó và cũng vì thế mà sau này, nẩy nở ra rất lắm người trẻ tuổi con nhà khá giả lại có tài ba. Lưu Bị tìm được ba người quân sư Từ Thứ, Khổng Minh và Bàng Thống đều là những người hồi còn nhỏ đả được theo gia đình chạy loạn về đó. Sau này lớn lên, họ tụ họp ở ngay trong vùng để cùng nhau học hỏi luận bàn thế sự tại nhà kẻ đàn anh là Tư Mã Ðức Tháo.

Trong khi Tào Tháo đi chinh phục chung quanh miền Hứa Xương thì trong vùng Ðông Ngô tức là lưu vực bờ phía nam hạ lưu sông Trường Giang có Tôn Sách là con Tôn Kiên nối chí bố, đem quân đi chiếm đóng mọi nơi. Tôn Kiên làm thái thú quận Trường Sa, trước đó đả tới họp cùng các trấn để  đánh Ðổng Trác nhưng một hôm cho mò dưới giếng tìm được ngọc tỷ của nhà Hán nên vội vàng bỏ về để tính chuyện đại sự cho riêng mình. Viên Thiệu lúc đó còn là minh chủ biên thư cho Lưu Biểu nhờ phục quân, chặn Tôn Kiên để lấy lại cái ấn truyền quốc. Lưu Biểu đánh cho Tôn Kiên bị thua nhưng không lấy lại được ngọc tỷ. Sau này Tôn Kiên trở lại đánh Lưu Biểu để phục thù nhưng bị trúng tên mà chết. Con Tôn Kiên là Tôn Sách sau đó tới xin vào làm tỳ tướng cho Viên Thuật để lấy kinh nghiệm. Năm 195, sau khi thâu lượm được nhiều thành tích, Tôn Sách mới lấy ngọc tỷ của bố để lại, đem biếu Viên Thuật chỉ xin đổi lấy ba ngàn tinh binh và năm trăm con ngựa. Có quân, có kỵ mã, có sự hỗ trợ của những kẻ ngày xưa đả làm việc với Tôn Kiên, Tôn Sách mạo hiểm vượt qua sông Trường Giang quyết đi chinh phục thâu gồm tất cả các châu quận của miền Ðông Ngô tức là quanh vùng Thượng Hải ngày nay. Tới năm 200, vừa thần phục được tất cả một giải sơn hà, thì Tôn Sách bị kẻ thù đợi lúc đi săn ùa ra đánh úp. Lưỡi kiếm của Tôn Sách bị tuột ra khỏi cán nên Sách khôn bề chống đỡ. May Sách được người hầu đến cứu mang về nhà nhưng ít lâu sau thì chết bởi đả bị quá nhiều vết thương. Tôn Sách trước khi qua đời lúc 26 tuổi liền cho gọi người em là Tôn Quyền kém mình 2 tuổi vào mà bảo rằng:

– Nếu huy động quân tì hổ Giang Ðông, quyết chiến thắng nơi trận tiền, tranh dành cùng thiên hạ thì em không bằng anh. Nhưng xét việc, rồi cử người hiền, dùng người tài, khiến ai nấy tận lực giữ vững Giang Ðông thì anh không bằng em. Cơ nghiệp này, cha anh gian nan lắm mới gây dựng được, em cố lo toan mà giữ lấy nhé !

Năm 207, Tào Tháo bình định xong miền bắc của Viên Thiệu liền mang quân xuống miền nam. Gặp lúc đó Lưu Biểu vừa ốm chết, người vợ bé mới đem dâng hết đất đai của Kinh Châu tức là giải đất hình tam giác giữa sông Hán và sông Trường Giang cho Tào Tháo hòng gìn giữ chức tước cho người con còn nhỏ của mình là Lưu Tông và quyền hành cho họ mình là họ Thái. Tào Tháo cử Lưu Tông đi làm chỗ khác, dọc đường sai người ám sát rồi cho quân đi thu nhận thành trì cũ của Lưu Biểu. Miền Kinh Châu lúc đó chỉ còn có Lưu Bị đứng lên chống lại. Lưu Bị thua trận ở Tương Dương phải lui quân về thành Hạ Khẩu ở đầu mấu giữa sông Hán và sông Giang nơi mà Lưu Kỳ con cả Lưu Biểu được bố trước khi chết, gửi ra trấn giữ.

Tào Tháo để mặc Lưu Bị ở Hạ Khẩu, tiếp tục công cuộc chinh phục miền nam, ở bờ bên kia sông Dương Tử là đất Đông Ngô của Tôn Quyền. Tháo gửi thư dụ về hàng nhưng Tôn Quyền không chịu, liên kết với Lưu Bị rồi cử Chu Du làm tướng dùng hỏa công cả phá được thủy quân của họ Tào đóng ở Xích Bích nơi bờ sông Tràng giang năm 208. Trong lúc Tôn Quyền mải đi đánh đuổi quân Tào thì Khổng Minh đưa quân của Lưu Bị đi chiếm lại hết đất đai cũ của Lưu Biểu. Cũng phải nói là Kinh châu với Ðông Ngô bất hòa với nhau đả từ lâu nên giữa Tôn Quyền và Lưu Bị dân Kinh châu sẵn sàng, thà dâng thành cho Lưu Bị và Khổng Minh còn hơn là phải phục tòng Tôn Quyền. Sau khi làm chủ Kinh Châu, Lưu Bị được mời vào đất Tứ Xuyên để phòng ngừa giúp đỡ Lưu Chương là người bà con cùng họ nhà Hán. Năm 214 Bị quay giáo chiếm lấy xứ đó rồi năm 219 lại lấy thêm được cả đất Hán Trung trước đó, vừa mới bị rơi vào tay Tào Tháo.

Tiện đây ta cũng nên đối chiếu xem tình thế ở Việt Nam ta lúc đó như thế nào. Việt Nam hồi bấy giờ bị tầu đô hộ gọi là Giao Chỉ chia ra làm bẩy quận, mỗi quận có một người thái thú cầm đầu. Coi cả bẩy quận lúc đó có một người thứ sử đóng đô ở ngay Giao Chỉ và vì thế vừa có thứ sử Giao Chỉ lại vừa có thái thú Giao Chỉ. Năm 181 bên ta có loạn, triều đình Hán mới gửi quan lệnh Lan Lăng là Chu Tuấn sang dẹp yên rồi trở ra về. Chu Tuấn đó chắc là Chu Tuấn sau này được cử đi đánh giặc Khăn Vàng cùng với Lý Thức và Hoàng phủ Tung, cả ba đều là Trung lang tướng. Năm 184 Giả Mạnh Kiên sang bên ta làm thứ sử. Chắc Mạnh Kiên này là cùng một người mà Hán thư gọi là Mạnh Thường. Sách này chép, quan lại tầu tham lam bắt dân mò châu dưới biển nhặt nhiều đến nỗi ở Hợp Phố trước đó có rất đầy châu sò mà sau biến sạch chẳng còn con nào. Từ hồi Mạnh Thường tới nơi, ra lệnh tạm đình chỉ việc lặn nhặt này, châu sò lại trở lại sinh nở ở Hợp Phố. Câu ngạn ngữ  : Châu về Hợp Phố là lấy gốc ở đây ra. Năm 187 Sĩ Nhiếp được bổ làm thái thú quận Giao Chỉ. Tiên tổ của Sĩ Nhiếp vốn là người nước Lỗ, đất Vấn Dương. Loạn Vương Mãng (năm thứ tám s. cn) ông tổ của họ Sĩ mới phiêu dạt sang bên mình. Cho tới Sĩ Nhiếp lúc đó kể đả tám đời. Họ hàng gia đình Sĩ Nhiếp ở bên nước mình như thế, tính ra đả được gần hai thế kỷ. Bố Sĩ Nhiếp hồi trước đả làm tới thái thú quận Nhật nam. Về phần Sĩ Nhiếp, hồi trẻ được gửi về học bên tàu rồi thi đỗ hiếu liêm được vào làm thượng thư lang nhưng không rõ làm sao ít lâu sau thì bị bải chức. Sĩ Nhiếp về nhà tiếp tục học thêm, rồi đi thi đỗ được Mậu tài nên được cử làm lệnh Vu Dương rồi sau thăng thái thú Giao Chỉ lúc đó đả xấp xỉ ngũ tuần. Nhân lúc loạn lạc tứ tung, quan lại người tàu hoặc bị giết hoặc bị chạy về nước rất nhiều nên Sĩ Nhiếp mới xin được cho ba em cùng được ra làm vào những chỗ không có người quản lãnh : Sĩ Nhất ở Hợp Phố, Sĩ Vỉ ở Cửu Chân và Sĩ Vự ở Nam Hải. Năm 201 Trương Tân tới làm thứ sử rồi năm 203 xin được triều đình họp bẩy quận nuớc ta thành ra một châu tức là Giao Châu. Nhưng dù được tiếng là châu vẫn phải chịu quyền kiểm soát của ông mục Kinh Châu bên tầu lúc đó chẳng là ai khác mà là Lưu Biểu. Trương Tân sau bị bộ tướng là Khu Cảnh giết chết. Hay tin đó Lưu Biểu liền gửi người của mình tức là Lại Cung đang làm quan lệnh huyện Linh Lăng sang thay. Nhưng vì Lưu Biểu hồi bấy giờ không thần phục triều đình nhà Hán đang bị Tào Tháo chi phối, nên Tháo mới gửi mật thư bổ Sĩ Nhiếp làm Tuy Nam trung lang tướng coi bẩy quận của Giao Châu thay vì là Lại Cung. Sĩ Nhiếp kín đáo nhận chức nhưng đồng thời gửi sứ giả xin với Tào Tháo dâng biếu tiền nong quà cáp rất hậu. Tào Tháo thích lắm liền phong thêm cho Nhiếp chức An Viễn tướng quân, tước Long Ðộ Ðình hầu. Sau này Tào Tháo thua trận Xích Bích, Quan công để mất Kinh Châu nên Giao Châu lại rơi vào lảnh vực kiểm soát của Tôn Quyền. Quyền cho Sĩ Nhiếp giữ nguyên chức nhưng bắt Nhiếp gửi con sang làm tin. Con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Hâm sang Ðông Ngô sau được Tôn Quyền cho làm thái thú quận Vũ Xương. Quyền cải tổ chuyển quận lỵ Giao Châu về Long Biên (Hà Nội bây giờ) và vì thế mới phong cho Sĩ Nhiếp cho làm Vệ tướng quân, tước Long Biên Hầu. Em là Sĩ Nhất cũng được cử làm thiên tướng quân, tước Ðô Hương hầu.

Sĩ Nhiếp rút cục thọ được tới 90 tuổi, sống được cho tới năm 226. Nhiếp cai trị bên nhà trong ngót bốn mươi năm. Sĩ Nhiếp chết đi, người con thứ ba là Sĩ Huy gạt các anh em ra bên cạnh, tự mình nắm lấy quyền hành của bố mà không đợi sắc phong của bên tàu. Trước sự  lạm quyền đó Ngô Quyền mới gửi người và quân sang thiết lập lại quyền uy của mình. Rút cục Sĩ Huy bị giết rồi sau đó, tất cả họ hàng nhà Sĩ Nhiếp kể cả Sĩ Hâm còn đang sống bên Ðông Ngô đều bị cất chức, người thì bị giết, người thì bị đuổi về, trở lại thành thường dân. Họ Sĩ từ đó trong sử không nghe thấy nói nữa, mặc dầu trong gần nửa thế kỷ đả chia nhau cai quản gần hết nước mình. Sau đó đáng kể là vụ khởi nghĩa của bà Triệu Ẩu năm 247 và việc Ngô tách Việt ra làm hai : Quảng châu sau vẫn thuộc về tầu và Giao châu sau thành nước Việt Nam mình.

Trở về với chuyện Tam Quốc, Tào Tháo chết năm 220, con là Tào Phi lên nối nghiệp, rồi tiện đà cướp ngôi nhà Hán tự xưng là Ngụy Ðế. Nhà Hán chính thức bị đổ nên năm sau 221, quần thần mới tôn Lưu Bị lên làm vua nối nghiệp nhà Hán, nhưng chỉ trong trong xứ  Thục mà thôi. Sử sau này gọi Bị là Tiên Chúa để khác với con Bị được người ta gọi là Hậu chúa. Nguyên cớ là nước Thục chỉ gỏn gọn có được hai triều vua đó mà thôi.

Về phần Tôn Quyền, sau trận Xích Bích Tôn Quyền vẫn ức là mình nhọc công đánh Tào Tháo mà đất đai không thêm được gì vì đả bị Khổng Minh phỗng tay trên. Tôn Quyền không có thêm đất, khôn bề phong tước phong hầu cho các tướng sĩ để thưởng  họ đã có công đánh thắng được Ngụy nên nằng nặc đòi Lưu Bị phải trả Kinh Châu cho mình mới chịu để yên. Khổng Minh cũng hiểu như thế nên sau khi lấy được đất Thục liền đề nghị với Lưu Bị chịu nhẫn trả đất của Lưu Biểu cho Ngô để giữ hòa khí. Khổng Minh coi rằng muốn đánh được nước Ngụy của họ Tào, Thục Ngô cần phải dựa được vào nhau mới có đủ sức. Quan Công là tướng trấn thủ Kinh Châu bằng lòng trao trả đất Lưu Biểu lại cho Ngô nhưng đến khi chỉ còn có ba quận cuối cùng là đất phong riêng của Quan công thì Quan cho là quá nhiều, không chịu nữa. Khổng Minh muốn dời Quan Công đi trấn thủ nơi khác nhưng Lưu Bị không chịu. Rút cục Quan Công ở Kinh Châu, Ngô đến đánh thì thắng Ngô, Ngụy đến đánh thì thắng Ngụy, nhưng tới khi hai nước này cùng đánh thì Quan Công bị thua và bị Tôn Quyền bắt sống, đúng như Khổng Minh đả nói từ trước: Nam hòa Tôn Quyền, bắc phạt Tào Tháo, không thế thì Kinh Châu thể nào cũng bị mất. Tôn Quyền dụ hàng Quan Công nhưng Quan Công không chịu nên Quyền sai đem chém. Ðược tin đó Lưu Bị là anh em kết nghĩa với Quan công đả thề cùng sống cùng chết với nhau liền cử binh đi đánh Ngô để phục thù. Khổng Minh can nhưng cũng không nghe. Khổng Minh xin cùng đi đánh nhưng Lưu Bị ngờ là đả nhị tâm nên cũng không cho nốt. Lưu Bị rầm rộ ra quân, lấy lại được Kinh Châu một cách dễ dàng vì dân miền đó rất mến Quan Công, vừa thấy quân Thục tới là họ trở giáo phản Ngô liền. Tôn Quyền lúc đó xin hòa nhưng Lưu Bị nhất quyết không cho, không coi thế là đủ mà cứ kéo quân vào sâu nội địa của Ngô mong bắt sống được Tôn Quyền mới hả. Bắt buộc phải đánh tới cùng, Tôn Quyền mới cử người con rể là Lục Tốn ra cầm quân, lại dùng hỏa công đánh thua quân Thục. Lưu Bị thua quân phải chạy về Bạch thành rồi chết ở đó. Chinh phụ ngâm có câu: Nay Hán xuống Bạch thành đóng lại, Mai hồ vào Thanh Hải dòm qua là do ở tích này. Lưu Bị chết năm 223.

Lưu Bị chết lúc con còn nhỏ, mọi việc từ nay do Khổng Minh một mình quyết định. Nhưng ở nước Ngụy lúc đó lộ ra một người tài tức là Tư Mã Ý. Ý là con nhà nòi đả mấy đời ông cha liên tục làm quan đại thần ở trong triều, ông nội trước làm thái thú Dĩnh châu, bố trước làm kinh triệu doản tức là quan coi sóc kinh thành và em hồi đó đang giữ chức chủ bạ cho Tào Tháo. Sách Tam Quốc khởi đầu nói tới Tư Mã Ý là từ khi Tào Tháo đánh xong Viên Thiệu trở về Hứa Ðô cử Ý làm Văn học duyện. Sau này Ý làm tham mưu ở trong bộ cắt đặt điều động quân lính của Ngụy và ta có thể coi Quan Công chết là bởi tay Tư Mã Ý. Sau khi quân Ngụy bị Quan Công đánh thua, cái chương trình hợp tung với Ðông Ngô để đánh lại phục thù là do Ý bầy ra.

Lưu Bị chết, Tư Mã Ý đề nghị với Tào Phi cử năm cánh quân liên minh tới đánh Thục, hai cánh quân của Ngụy, một cánh quân của rợ Khương một cánh quân của rợ Man và một cánh quân của Ðông Ngô. Tin cáo cấp về triều Thục như bươm bướm nhưng Khổng Minh cứ ở trong nhà không cho ai được gặp. Vốn Khổng Minh cho là phải hòa với Ðông Ngô thì mới giải quyết được tình thế nhưng vì Lưu Bị Quan Công vừa chết bởi tay Ðông Ngô, nếu đưa ngay ý đó ra, tất nhiên nhiều người sẽ phản kháng đổ cho tội Hậu Chúa bất hiếu KM bất trung. Khổng Minh cốt ý, cứ để cho cái nguy tới tận gót chân, Hậu Chúa phải thân đến tận nhà cầu kế, lúc bấy giờ mới đưa cái đường lối chính trị đó ra. Muốn phản kháng nhưng có kế nào làm khác để cứu Thục không ?

Sau khi được triều Thục bằng lòng cho hòa với Ðông Ngô, sau khi đả chặn được rợ Khương và hai toán quân của Ngụy, Khổng Minh mới dành ra hai năm để qua nam bình rợ Man là cái nhọt ở sau lưng. Khổng Minh vào sâu đất Man, bắt sống Man Vương Mạnh Hoạch tất cả là bẩy lần. Bắt được, rồi lại thả ra cho đến lúc Hoạch tâm phục xin hàng thề từ nay không dám quấy nhiễu nữa lúc đó mới trở về, chuyên lo đánh Ngụy mà không sợ rợ Man đánh tập hậu đằng sau nữa.

Khổng Minh tính đánh Ngụy qua phía tây bắc là phía Tràng An để đầu tiên chiếm lấy Ung Lương là đất nước Tần ngày xưa. Nhưng đất đó lúc bấy giờ do Tư Mã Ý trấn giữ. Tư Mã Ý trước đả bầy mưu tính kế cho Tào Tháo, Tào Phi tất cả đều được áp dụng và đưa đến kết quả mỹ mãn. Nhưng vì Ý bị ngờ là tham vọng quá to cho nên chưa bao giờ được gửi ra ngoài cầm quân mà chỉ được ngồi bàn giấy, làm quân sư  sửa sọan kế họach mà thôi, không có quyền hành chỉ huy quyết đóan chi cả. Tào Phi chết sớm con là Tào Duệ lên nối ngôi năm 226. Lúc đó Ung Lương khuyết người trấn thủ, Tư Mã Ý mới nhân dịp dâng biểu tự nguyện xin ra đấy để ngăn chặn Khổng Minh. Những người khác đều sợ KM nên không ai dám đứng ra tranh. Rút cục Tư Mã Ý được y tấu và được cử làm Ung Lương đề đốc. Mã Tốc là tham mưu cho Thục thấy Khổng Minh e ngại Tư Mã Ý liền hiến kế: Vì Ý đang bị trong triều Ngụy nhiều người ghen ghét dèm pha nên Thục cứ làm một cái hịch giả ở dưới ký tên Tư Mã Ý rồi gửi đi mọi nơi kêu gọi nổi loạn. Ý đã bị tình nghi nên chỉ cái tài liệu giả đó cũng sẽ đủ làm cho Ý, nếu không bị giết thì cũng bị tước quyền tước chức.

Khổng Minh y kế làm theo như vậy quả nhiên Tư Mã Ý bị Ngụy đuổi về vườn.

Năm 227 Tư Mã Ý bị mất chức và Khổng Minh lúc đó mới xuất quân đánh Ngụy theo như chương trình đã định trước. Khổng Minh tính đầu tiên đi thu phục vùng Tràng An và đất Tần cũ. Ngụy cử phò mã là Hạ Hầu Mậu ra cầm quân chống. Hạ Hầu Mậu khù khờ bị Khổng Minh đánh thua một cách dễ dàng. Ngụy cử Tào Chân ra tiếp tay nhưng rồi cũng bị thua cho nên cùng quá, phải gọi tới Tư Mã Ý.

Hai việc sau đây chứng tỏ KM và Tư Mã Ý là hai chủ tướng, thâm hiểu việc quân, ngang tài ngang sức.

Việc đầu tiên là câu chuyện phản loạn của Mạnh Ðạt. Nguyên Ðạt trước là tướng Thục vì không chịu đi cứu Quan Công cho nên Lưu Bị định giết và do đó mới phải hàng Tào. Mạnh Ðạt dẫu về hàng nhưng vẫn bị nghi nên không được thăng quan tiến chức. Đạt vừa nghe Khổng Minh thắng thế liền liên lạc với Thục để xin làm nội ứng đánh thốc vào Hứa đô của Ngụy. Khi có tin Tư Mã Ý lên cầm quân Mạnh Ðạt tính rằng Ý nếu tới đánh mình tất phải xin phép Tào Duệ. Thư đi thư về còn chán thời gian Ý mới tới tấn công được mình. Đạt không hiểu rằng Tư Mã Ý thông hiểu điều đó. Ý là người quyền biến, lửa cháy bùng lên phải lập tức dập liền. Trừ họan Mạnh Đạt không gì bằng đánh úp hắn trong lúc không ngờ. Ý tự cho mình quyền tiền trảm, hậu tấu gấp rút tới khu trừ Mạnh Đạt trong lúc Đạt chưa sửa sọan gì cả. Trừ xong rồi mới mang tang chứng bắt được ở nhà Đạt để điều trần với Tào Duệ việc làm của mình. KM trước đó cũng lý luận một chiều theo như  Tư Mã Ý nên viết thư bảo ĐẠt phải phòng hờ giữ gìn cẩn thận, đùng tưởng là Ý còn lâu mới tới được. Than thay cho Mạnh Đạt, thư KM đến thì đầu Đạt đã bị Ý sai chặt từ lâu rồi.

Việc thứ nhì chứng tỏ là Ý và KM là hai anh tài đồng cân đồng lạng là trận đánh ở Nhai Đình. Lương thực trở tới nơi KM đóng quân, bắt buộc phải qua chỗ đó. Nhưng KM biết Hạ Hầu Mậu không tỏ tường đường xá, cũng tỉ như Bàng Thống sau này đi đánh Lạc Thành ở Thục. KM khinh thường Mậu không thèm để một cánh quân đóng lại đó để phòng hờ mà kéo rốc hết lên đánh Mậu. Nhưng vừa nghe thấy Tư Mã Ý được ra cầm quân là Khổng Minh sai Mã Tốc trở về giữ nơi xung yếu đó liền. KM biết trước là Ý là một con cáo già tất nhiên sẽ chọn đánh mình ở chỗ ngang hông sơ hở ấy rồi mới tính tới chuyện giải vây cho Hạ Hầu Mậu.

KM trao cái trách nhiệm giữ Nhai Đình cho Mã Tốc. Trong bụng KM, KM muốn tập cho Mã Tốc quen việc điều khiển để hòng sau này cho lên thay mình giữ chức thừa tướng. Không ngờ Mã Tốc hiếu thắng, muốn đánh trận được địch chứ không muốn núp sau rào giậu để chỉ chống đỡ mà thôi. Tốc đem quân lên núi tính rằng như thế sẽ bắt địch trèo dốc, mỏi mệt rồi mới tới mình và như thế tất sẽ dễ đánh. Không may cho Tốc, Tư Mã Ý là con người khôn ngoan, thấy đường đi bỏ ngỏ thì liền hạ trại ở ngay ở đó, chặn kỹ mọi lối đi về. Xong xuôi đâu đó Ý mới tới chân núi bổ vây Tốc, mà không trèo lên sườn, cứ đợi ở dưới. Ở trên đồi núi Tốc không có mạch nước uống, ít lâu sau phải tự mình mò xuống. Lúc bấy giờ Tư Mã Ý mới dồn quân tới đánh cho không còn mảnh giáp.

Nhai đình bị mất, Khổng Minh bị cắt đường lương nên đành phải rút lui bỏ về nhưng hơi muộn. Trên đường về gặp đúng lúc Tư Mã Ý đang thúc quân ồ ạt tiến tới. Khổng Minh không có chỗ tránh, đành chạy vào núp ở trong một cái thành nhỏ là Tân Thành. Khi Tư Mã Ý đi đến đó, Khổng Minh tự biết là quân mình ít mà thành mình thấp, đóng cửa chống lại thì thể nào, chưa đầy một buổi là Ý sẽ hạ được thành, bắt sống được mình.

Thay vì đóng chặt , KM sai mở toang cửa thành rồi lên gác lâu của thành ngồi đánh đàn. Tư Mã Ý thấy thế do dự không vào vì sợ có quân phục. Tân thành là chỗ đường hiểm, dễ vào khó ra nên Tư Mã Ý không dám ở lâu để xét rõ hư thực mà ra lệnh lập tức rút lui về hậu tuyến, khỏi bị KM phục quân chặn đường. KM vì thế thóat nạn.

Sự thật, còn mất Nhai Đình Tư Mã Ý cũng vẫn đã thắng. Ý không cần mất một tên quân mà chỉ vì Ý bắt KM chia quân về giữ Nhai đình là quân lực tấn công của KM đã bị sút đi một nửa rồi, so với số quân Hà Hầu Mậu phải đương đầu. Hiểu được việc quân là ở chỗ đó. Chưa cần đánh mà địch đã yếu thế khác người là ở chỗ đó.

Khổng Minh ra quân phía Kỳ sơn cả thảy sáu lần, dần dần chiếm được cả bờ phía nam sông Vị là chi nhánh sông Hoàng Hà chảy qua Tràng An. Khổng Minh lúc đó ho lao, muốn đánh mạnh đánh mau hòng được cả thắng trước khi chết đi nhưng phiền một nỗi là Tư Mã Ý không chịu xuất trận ứng chiến mà cứ xây đắp đồn lũy giữ kỹ bờ sông bên phía bắc, chủ ý là chặn kỹ, không cho quân Thục đổ bộ sang. Khổng Minh hết kế mới gửi thơ và quần áo đàn bà sang khiêu khích quân tướng của Ngụy bảo nếu không dám ra đánh thì từ nay nên cải trang tự nhận mình là nữ nhi hèn yếu. Các tướng Ngụy công phẫn nhưng Tư Mã Ý viết thư về Hứa Đô ngầm xin Tào Duệ ra dụ cấm ra đánh nhau với quân KM, cứ nhất thiết ở sau luỹ trại mà ngăn KM không cho qua sông là đủ. Kẻ nào không tuân lệnh sẽ lập tức bị chặt đầu.

Về phần Ý, Ý tiếp đón sứ giả của Khổng Minh nồng hậu, cười nhận quần áo đàn bà rồi hỏi thăm sứ giả về sức khỏe của Khổng Minh. Nghe trả lời rằng KM hiện đang đau ốm lại biếng ăn biếng ngủ, Ý mới nói to cho mọi người chung quanh mình đều được nghe thấy rằng:

–         Khổng Minh ăn ngủ đã ít mà lại lo lắng làm việc quá độ thì hắn sống thêm được bao lâu nữa ?

Sứ giả về nói lại với Khổng Minh. KM hiểu là khiêu khích Tư Mã Ý cũng bằng không nên mới thở dài thú thật rằng:

–         Hắn thật biết rõ tâm tư của ta!

Rút cục Tư Mã Ý cứ một lòng cố thủ, giữ kỹ, đợi cho Khổng Minh tới số, quân Thục không đánh mà cứ tự nhiên phải lui về. Quả nhiên KM sau đó bị ốm ho lao, chết trong quân năm 234 khi mới được năm mươi tư tuổi.

Về phần Tư Mã Ý, Ý tiếp tục nắm giữ binh quyền nước Ngụy để chống đối với Khương Duy là người cầm quân thay thế Khổng Minh. Họ Tư Mã nắm giữ binh quyền trên quá ba mươi năm, tới năm 264 thì thôn tính được nước Thục. Bao nhiêu tướng tá Ngụy lúc bấy giờ đều do họ Tư Mã chọn mà cho lên, nên hết thảy ủng hộ Ý và con cháu của hắn. Chỉ một năm sau tức là năm 265, cháu Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm cứ việc ung dung lên ngôi hòang Đế, đẩy họ Tào xuống mà lập ra nhà Tấn. Các tướng tá về phe Tư Mã cả rồi, còn ai mà chống đối bảo vệ họ Tào ?

Ngô thì sau này vì có nội loạn nên bị Tấn tới chiếm năm 280 một cách dễ dàng.

Chính thức ra thời Tam Quốc trong sử biên là có tự 220 cho tới 280. Trên thực tế, các nhân vật xuất đầu lộ diện liên tục từ 184 tới năm 280, tức là gần chẵn một thế kỷ. 184 tới 220 là thời các sứ quân tranh hùng chém giết nhau lung tung, 220 tới 280 là thời ba nước cùng sống, tương đối có kỷ cương lề luật cho tới lúc nhà Tấn của con cháu Tư Mã Ý thâu gồm cả nước Trung Quốc về cùng chung một mối.

Khổng Minh và Tư Mã Ý giống nhau ở một điểm: trong công việc hai người đó không những tính tóan để đạt được mục tiêu mà bao giờ cũng lại nghĩ trước tới hậu quả của việc mình làm nữa.

Vì thế, dẫu có dịp bắt được chủ tướng của địch nhưng cả hai đều không thèm bắt.

Khổng Minh không bắt Tào Tháo ở Hoa Dung đạo vì cho rằng nếu khi đó thủ tiêu Tháo thì không ai có thể ngăn chặn được Tôn Quyền nữa. Lưu Bị lúc đó chỉ có mỗi một thành, là thành Hạ Khẩu làm chỗ trú chân, làm sao mà không phải hàng Ngô khi Ngô chiếm xong Ngụy rồi trở về đánh Bị.

Vì KM không muốn bắt Tào Tháo nên mới để Quan công phục ở  Hoa Dung Đạo rồi thả cho Tháo đi. Nếu KM muốn bắt Tháo thì dễ lắm có gì đâu. KM sai Quan công phục ở Hồ lô khẩu. Lúc đó Tào Tháo còn nhiều mãnh tướng hộ vệ bên mình, một Quan công chứ mười Quan công dễ gì mà bắt được Tháo. Trái lại, nếu KM để Trương Phi ở Hoa Dung đạo, Tào Tháo lúc đó mỏi mệt các tướng tá lại đã phái đi gìn giữ mọi nơi rồi, Trương Phi ở đó xồ ra, chẳng nói chẳng rằng, cho Tháo một mũi bát xà mâu chết tốt còn đâu là đời của Tháo.

KM để Quan công ở Hoa Dung đạo không ngòai mục đích là đổ tội cho Quan tha Tào Tháo để trả ân trả nghĩa và tránh tiếng mình đã cốt ý để cho Tháo đi thóat.

Tư Mã Ý cũng vậy dù rằng không phải do cùng một nguyên cớ.

Ý không bắt Khổng Minh ở Tân Thành không phải vì sợ KM có quân phục mà sự thật không muốn bắt KM. Thật vậy trước đó họ Tào nghi Tư Mã Ý nên mới đuổi hắn về vườn. Vì không ai chống nổi KM nên mới bắt buộc triều đình Ngụy mới gọi Ý ra trao cho cầm quân. KM mà bị bắt thì hôm trước KM bị bắt hôm sau triều đình họ Tào ít nhất sẽ lại tước quyền cầm quân của Ý nếu không là sai người thủ tiêu ngay tại trận.

Chứng cớ là sau này năm 264, Ðặng Ngải là tướng của Tấn Vương Tư Mã Chiêu con của Ý, cảm tử liều chết đánh thốc vào Thành đô, buộc nước Thục phải ra hàng, nhưng vừa thắng xong thì Tấn Vương ra mật lệnh cho Chung Hội lúc đó đang cầm đầu cánh quân thứ nhì gọi Ngải và con tới rồi phục võ sĩ bắt cả hai bố con mang ra chém đầu không cho phân trần phải trái. Có công mà bị giết, đó là cái thường tình trong chế độ quân chủ độc đóan.

Tư Mã Ý để Khổng Minh sống làm phên dậu cho mình. Ý biết rằng mình giữ chắc thì KM tất sẽ không làm gì được. Trái lại, vì có Khổng Minh nên bắt buộc Ngụy phải cần đến Ý. Ý do đó liên tục được điều quân khiển tướng, lúc đầu chung quanh hắn đầy tướng tá trung thành với Tào. Nhưng với thời gian, sau ba mươi năm, các tướng này về già hết cả, không chết thì cũng về hưu, Ý tha hồ có dịp thuyên chuyển quan lại. Ý rồi con Ý, rồi cháu Ý, cứ  dần dần gạt hết những kẻ về phe họ Tào ra mà nhất thiết gài người của mình vào thay. Khi họ Tào hết người ở những chỗ then chốt rồi, thì họ Tư Mã ung dung tiếm ngôi, ai vào đấy mà ngăn chặn được.

Khổng Minh và Tư Mã Ý sai biệt là ở cái chủ đích. Khổng Minh trung thành với Lưu Bị, không muốn tiếm ngôi, được làm thừa tướng coi hết mọi việc tức là tột đỉnh rồi. KM chỉ còn muốn có thêm một chút danh để lại đời sau thế là đủ.

Khổng Minh ra đánh trận bao giờ cũng thắng nhưng ngược lại TMY không bao giờ muốn lao mình vào chỗ hiểm nghèo để diệt tan địch. Trái lại, Khổng Minh luôn luôn cẩn thận cân nhắc, có chắc ăn mà không thua thì mới làm vì với Khổng Minh, được thì không thêm gì mấy, mà vấp thì thanh danh sẽ lập tức tiêu tan.

Phiền một nỗi là Thục nhỏ hơn Ngụy, ít người, ít khí giới lương thực, nếu không  liều mạng đến đánh chỗ địch đang sơ hở thì không bao giờ dành được thắng lợi một cách quyết liệt được.

Hồi Tào Tháo đánh Viên Thiệu, gần hết lương, sắp phải tan vỡ bỏ về thì may có Hứa Nhu tới mách đường đi lối lại của Ô Sào là chỗ chứa lương của quân miền bắc. Mặc dầu Ô Sào là chỗ đường hẻm độc đạo, nếu địch đặt phục binh ở đấy thì tất chết mất xác, Tào Tháo vẫn không ngần ngại tự ngầm mang quân đến đó để đốt lương. Tháo bằng lòng liều chết nên mới chuyển được bại thành thắng, dù rằng quân Tháo đông bằng bốn lần quân của Thiệu.

Khổng Minh sự thật có hai dịp để mà phá Ngụy. Hồi Hạ Hầu Mậu cầm quân để hở đường hẺm qua hang Tý Ngọ. Ngụy Diên sai người dò biết được bèn vào đề nghị với Khổng Minh xin đem một toán quân theo đường đó đánh thốc vào Tràng An lấy được thành đó rồi tiện đà, đi thu phục cả nước Tần, thành công một cách dễ dàng. Kế đó, chính ngay Tư Mã Ý cũng cho là có thể thực hiện được. Khổng Minh trái lại gạt đi không chịu theo. Lẽ thứ nhất có thể là vì đi qua đường đó phải mất mấy ngày mấy đêm mà trong thời gian ấy, chỉ cần có một người tới nhắc cho Hạ Hầu Mậu biết là trong giây phút hang sẽ bị lấp kín và quân Thục đương nhiên lâm vào thế bí, tiến không được thoái không kham. Thứ nhì, nếu Khổng Minh theo kế ấy mà không muốn tự mình đi thì tất nhiên phải cử ai nếu không phải là Ngụy Diên, người đầu tiên cho ra ý kiến đó và đồng thời cũng là người duy nhất bên Thục ngoài KM, có khả năng thi hành được những nhiệm vụ khó khă như vậy. Phiền một nỗi là Khổng Minh từ lúc khởi đầu đả lo Ngụy Diên làm phản nên không chịu cho hắn đi.

Dịp thứ hai là sau khi chiếm được bờ phía nam sông Vị. Nếu cứ theo dọc bờ sông đó để đi về phía đông đánh vào Hứa Xương thì Tư Mã Ý tất phải bỏ hở Tràng An để về cứu kinh đô của Ngụy. Phiền một nỗi là theo bờ phía nam, một bên là sông một bên là núi, không có chỗ dàn quân, nếu quân Ngụy liều chết sang sông, cắt quân Thục ra làm hai đoạn thì nhất định hai bên phải liều chết đánh lộn với nhau. Khổng Minh không thích kiểu đánh chí tử như vậy. Vì thế mà Khổng Minh cứ hướng về phía tây bắc, cư muốn vượt qua sông Vị để tới chỗ đất rộng dễ hành quân, dễ đặt phục binh lừa địch. Nhưng Tư Mã Ý đâu có chịu rơi vào tròng của Khổng Minh. Ý cứ nhất thiết làm trại chặn giữ các bến đò thật chắc mà không thò đầu ra để đánh nhau và vì thế Khổng Minh bó tay không làm gì được.

Dĩ nhiên, nếu Khổng Minh đủ quân để chia ra, một mặt rình qua sông một mặt phái một cánh quân theo dọc sông đánh về phía đông tất nhiên Tư Mã Ý phải nguy, hoặc bỏ hở bờ sông Vị hoặc không về cứu Hứa Ðô. Nhưng Khổng Minh ít quân thiếu người và vì thế phải chọn. Hoặc là liều mong ăn to thì đi ra phía đông, hoặc là tính chắc thì đỗ ở bờ sông Vị nếu không sang được tới Tràng An thì ít nhất cũng không sợ bị địch phản công qua đò đánh úp.

Khổng Minh chọn đường thứ nhì cho an toàn nhưng với một tay cáo già như Tư Mã Ý chọn làm như thế dĩ nhiên là vô công.

Tư Mã Ý ở thế khác Khổng Minh. Nước Ngụy to và giầu hơn Thục Ngô nên cứ giữ chắc thì hai nước kia không bao giờ thắng được. Trái lại với thời gian, trong hai nước tất nhiên sẽ có một, một lúc nào đó, sẽ bị loạn. Lúc ấy không cần tổn công mà đương nhiên sẽ đoạt được.

Quả nhiên sau này Hậu Chúa, vì tin dùng hoạn quan mê tín đồng bóng, ải quan không cử người trấn giữ, chỉ mười vạn quân của Ðặng Ngải là có thể đánh thốc vào, lấy Thành Ðô của Thục. Rồi mười lăm năm sau, Ngô loạn, chỉ trong sớm chiều, với mỗi một đoàn thuyền là Vương Tuấn đủ tới để  chiếm được kinh đô của Ngô.

Tư Mã Ý không cần lập chiến công cho chính mình, không cần khoe tài khoe giỏi, vì mục đích của Ý là cứ làm sao cho họ Tư Mã liên tục nắm giữ binh quyền rồi ắt sau này, đương nhiên con cháu sẽ thành nghiệp lớn. Ðối với Ý thắng trận có công ghi vào sử sách, thêm lộc thêm tước chẳng đi đến đâu mà lại bị người ta ghen ghét lập mưu làm hại nữa.

Khổng Minh luôn luôn dẫn giảng, dậy nghề cho những người cộng sự cùng các tướng tá quanh mình không riêng gì Khương Duy là người sau này sẽ thay Khổng Minh để cầm quân nước Thục. Vương Bình được cử đi giúp Mã Tốc ở Nhai Ðình có nói:

–         Tôi được theo thừa tướng đi trận nhiều lần. Hễ đi đến đâu thừa tướng đều giảng giải về địa thế nên tôi hiểu lắm. Ví dụ như ngọn núi kia là tuyệt địa. Quân Ngụy chẳng cần đánh, cứ việc chặn đường đi lấy nước là quân ta tức khắc loạn ngay.

Tiện đây ta nên để ý. Sách Tôn Tử có nói tới các loại đất nhưng không bao giờ nói rõ tại sao lại có những nơi bị gọi là tuyệt địa và do bởi đâu mà thành tuyệt địa. Ðây là một trường hợp hiếm có, có người giảng nguyên nhân. Sách binh thư của tầu bao giờ cũng chỉ đứng trên nguyên tắc và vì thế phải cần có được thầy đưa lời dẫn dụ thì mới dễ được hiểu thấu. Khổng Minh không giấu tủ nhưng vì bận việc không có thời giờ viết sách. Sau này may có Tưởng Uyển là người được lên làm thừa tướng thay Khổng Minh có để lại một cuốn binh thư. Người sau gọi quyển đó là quyển Tưởng Uyển nhưng sự thật quyển đó chỉ gom góp những lời giảng của Khổng Minh lúc còn sống.

Khổng Minh dạy người ngoài nhưng đồng thời giữ ý không cho con mình đi theo trong quân để rèn luyện vì sợ người ta dị nghị cho là muốn cha truyền con nối, sau này ắt sẽ cướp ngôi nước Thục. Vì vậy con của Khổng Minh ở nhà đọc rất nhiều sách nhưng không lĩnh hội được tinh túy trong đó. Sau này chỉ cần một lần ra trận bị sơ hở, là đủ để kết liễu tính mạng cả cha với con.

Tư Mã Ý trái lại. Ðánh nhau không bao giờ dùng kế. Cứ mạnh thì ăn, yếu thì giữ, nên dẫu có thua trận chăng nữa rút cục cũng chẳng hề chi. Ngày thường trong triều, Ý luôn luôn dè dặt thận trọng, trong lúc nói chuyện, bao giờ Ý cũng nhìn trộm vẻ mặt của kẻ đối thoại, không muốn khoe khôn mà chỉ sợ người ngoài nhìn thấu thấy tham vọng trong lòng của mình. Nhưng đồng thời Tư Mã Ý làm tướng lúc nào cũng có hai con ở bên cạnh để có dịp chỉ bảo cách hành quân cùng giảng rõ hình thế đất đai. Hai con Ý sau này không những hiểu việc mà lại có thời giờ ước lượng tài năng cùng bụng dạ của tất cả các hàng tướng tá. Tư Mã Ý răn cho con cháu, coi những việc ra đánh trận cùng thu phục được đất của người đều là điều phụ, bảo tồn ngôi chức quyền hành cho họ hàng con cháu mình mới điều là quan trọng.Sau này, lúc cử quân đi thôn tính nước Thục, con Ý là Tư Mã Chiêu trao mười vạn quân cho Ðặng Ngải để tìm đường tấn công, nhưng dành ba mươi vạn quân cho Chung Hội để kiểm soát Ðặng Ngải rồi tự mình cầm đại quân xấp xỉ nửa triệu đủ để đè bẹp Chung Hội sau này. Cứ xem cách Tấn chia quân là ta đủ thấy rõ điều thiết yếu với họ Tư Mã là ở đâu.

Thục mất, Ngô tất nhiên không còn. Tư Mã Viêm nối ngôi cha là Tư Mã Chiêu gửi người thầy giậy học là quan thái phó Giương Hổ ra Kinh Châu để dòm ngó Ðông Ngô. Hổ ra, thấy tướng của Ðông Ngô là Lục Kháng giữ gìn chắc chắn, bèn bỏ dự bị tấn công mà trái lại đi lại giao thiệp nhả nhặn với Kháng. Vua Ngô sinh nghi và Kháng bị mất chức. Hổ lúc bấy giờ mới xin đánh Ngô nhưng Tư Mã Viêm hỏi quần thần rồi cho là sớm quá chưa chắc được nên không cho. Giương Hổ già chết người sau tới, tiếp tục coi là đánh được. Viêm lúc đó mới bằng lòng. Ra quân, Ngụy thắng một cách dễ dàng; Viêm sau đó mới thở dài tiếc thay cho người thầy lúc sống không có dịp được lập công.

Khổng Minh danh ghi sử sách, người người thán phục nhưng không có hậu, con trai cháu nội đều bị chết chém. Tinh anh phát tiết ra ngoài, tầu thường cho là kỵ. Nguyên nhân là từ thời chiến quốc, chính quyền bên tầu căn cứ trên độc tài chuyên chế, trong thực tế chỉ dựa trên sức mạnh và do đó những kẻ nào hễ đả nắm được quyền hành, ắt không nhượng lại cho ai. Chức trọng mà có công lớn nhưng không phải là họ hàng bà con với nhà vua thì tất sẽ bị ngờ và bị chính quyền tính chuyện trừ đi. Ngay đến chính Khổng Minh, vừa thắng Ngụy được một trận đáo để là bị Hậu Chúa cấp tốc gọi về, sợ công KM như thế rồi ra sẽ lấn ngôi của mình. Chức trọng mà được hưởng lâu dài, tiếp tục được tin, ắt phải là người trong họ nhà của vua, hoặc nội hoặc ngọai. Trước thời Tam Quốc Hà Tiến, trước chỉ là con nhà hàng heo, vô học vô công, nhưng vì là em vợ của vua nên được Linh Ðế cử làm Ðại tướng quân nắm giữ binh quyền. Hiến Ðế sau này muốn trừ Tào Tháo thì đương nhiên vời bố vợ mình là Ðổng Thừa tới để trao lệnh kín. Hiến Ðế đã mau quên là chính tự mình đả vời Tào Tháo đến và nhờ ở Tào Tháo nên ngôi vua của mình mới được vững. Ðổng Thừa được vua tin nhưng xét ra từ trước tới đó, có làm được công truyện gì cho nước cho non? Ðược Hiến Ðế đề cao và coi trọng chỉ hoàn toàn nhờ ở cái địa vị bố vợ của vua. Cái lọan sứ quân do ở chuyện đổi ngôi giữa Thiếu đế và Hiến đế. Cái khác giữa hai vua hãy còn nhỏ tuổi này là Hà Tiến muốn đưa Thiếu Đế là cháu mình lên để làm lợi cho họ Hà mà trái lại Đổng Thái Hậu là bà Hiến Đế thì che trở cho cháu đích tôn của mình để họ Đổng của mình được làm mưa làm gió trong triều Hán.

Khác với Khổng Minh, Tư Mã Ý từ đầu đả có chủ đích đưa dòng họ của mình lên làm vua nước Trung Hoa. Vì vậy với Ý, điều cốt yếu là làm sao nắm được quyền chỉ huy tướng sĩ cùng bộ đội. Ra quân thắng thế thì tiến, yếu thế thì đào hào đắp lũy giữ lấy cho chặt. Họ Tư Mã liên tục làm quan to, nhưng lúc thời thế đảo điên, con cháu không phản nhưng cũng chẳng đứng ra hy sinh. Cứ âm thầm mở mang thế lực cho tới khi đủ lông đủ cánh lúc đó mới đương nhiên cướp ngôi hoàng đế. Con cháu Ý sau này được trị vì nước tầu từ 265 tới 420 thật chẳng có chi là lạ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *