Bẫy tâm lý khi giao dịch chứng khoán bùng nổ.

BẪY TÂM LÝ KHI GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN BÙNG NỔ.

Các Trader khi tham gia đầu tư chứng khoán theo phương thức bùng nổ theo tôi quan sát thường xuyên mắc phải bẫy tâm lý như sau:

+ Khi thị trường thuận lợi, các mã bùng nổ liên tiếp. Điểm mua dù không phải là điểm mua đầu tiên cũng nhanh chóng mang lại lợi nhuận cho trader. Vì vậy, tâm lý của các trader bây giờ là rất tự tin, tin vào năng lực và tin vào khả năng giao dịch xuất sắc của mình.

Càng giao dịch tốt họ sẽ càng suy nghĩ nhiều hơn tới việc tăng quy mô, tỷ trọng của giao dịch. Nó là hiện tượng “tin tay”. Có thể lúc này quy tắc phân bổ vốn của họ không còn tuân thủ nghiêm túc nữa, hoặc, giả sử vẫn tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn thì khối lượng giao dịch của họ vẫn lớn lên.

Về nguyên lý thì khi bạn đúng bạn cần phải tối đa hoá lợi nhuận. Điều này không sai. Tuy nhiên, phải giữ được cái đầu tỉnh táo để nhận ra các sự thay đổi trong diễn biến của thị trường.

+ Khi thị trường thay đổi xu hướng, tạo đỉnh. Vấn đề sẽ bắt đầu xuất hiện. Đây là trường hợp tôi gặp rất nhiều trong quá trình quản lý tài khoản giao dịch của khách hàng.

Khi giao dịch ở vùng thay đổi xu hướng hoặc thiết lập đỉnh, các mã bùng nổ sẽ thất bại nhiều hơn. Thường giá sẽ break lên với khối lượng lớn, tạo khoảng trống tăng giá, sau đó tích luỹ một thời gian dài rồi quay đầu đi xuống.

Vậy, tâm lý của người giao dịch khi đó sẽ thế nào?

– Người giao dịch vẫn đang giữ trạng thái hưng phấn với quá trình tăng giá trước đó mà không nhận thấy sự lỏng lẻo của việc tăng giá.
Trong quá trình tăng giá trước đây TT đã có nhiều phiên sụt giảm và quay trở lại, vì vậy, tâm lý sẽ dễ dẫn tới KHÔNG SAO ĐÂU.

– Việc tăng khối lượng giao dịch sau chuỗi thời gian thành công sẽ khiến việc cắt lỗ không dễ dàng như trước. Với những người tận dụng được sóng tăng, có mức lợi nhuận tốt trước đó, việc cắt lỗ có thể dễ dàng hơn. Tuy nhiên với những người chưa lời được nhiều hoặc đang lỗ trước đó, việc cắt lỗ trở nên khó khăn hơn. Trader cảm thấy “xót của”, không nỡ. Cộng với nguyên nhân “không sao đâu” ở trên, họ dễ dàng đi đến quyết định KHÔNG CẮT LỖ.

– Người giao dịch không tỉnh táo sau đó sẽ bị thiệt hại với con sóng giảm sau đó (người thứ 1). Người giao dịch tỉnh táo, nguyên tắc và lý trí hơn sẽ cắt ở một mốc nào đó ví dụ như thủng đường xu hướng màu đỏ như trên hình (người thứ 2).

Về trường hợp thứ nhất, người giao dịch sẽ bị lỗ rất sâu thường từ 20 thậm chí 30% tài khoản. Càng xuống họ càng khó bán vì có thể cổ phiếu rơi về hỗ trợ / hoặc bị lỗ sâu việc bán trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Về trường hợp thứ hai, Họ sẽ liên tục tìm các cơ hội mới. Và khi thị trường xấu quay đầu thì xác suất thất bại tăng lên đồng nghĩa với việc cắt lỗ nhiều và liên tục. Càng giao dịch thì sẽ càng nản và tốn kém.

Cả hai trường hợp sẽ đều dẫn việc thành quả trước đó bị ảnh hưởng nhiều ( bớt đi, hoặc gần hết, hoặc rơi vào trường hợp thứ nhất thì thậm chí còn âm lại vào vốn).

Nhưng điều tồi tệ hơn, khoản lỗ nặng hơn, nó lại nằm ở trong tương lai. Kể cả khi trader giữ được khoản lỗ qua đáy đi chăng nữa (trường hợp nảy rất hiếm mà thường tôi thấy là sẽ bán đúng đáy luôn) thì việc thị trường trong uptrend trở lại, việc chi phí cơ hội khi bỏ lỡ những cổ phiếu tăng giá là rất lớn. Như vậy, có khi cả trong một uptrend thì trader chỉ thu được kết quả Hoà vốn.

Giải pháp:

– Hãy tận dụng khi bạn đúng. Điều đó vẫn là chân lý của cuộc sống. Nhưng ngay khi bạn sai nhiều, hãy dừng lại, điều chỉnh lại khối lượng giao dịch. Các huyền thoại giao dịch đều thực hiện như vậy.

Cắt lỗ, cắt lỗ và cắt lỗ – dù bạn lỳ đến đâu, tối đa là gãy trend tăng bạn phải bán. Nếu bạn không bán sớm, chắc chắn bạn sẽ bán muộn. Cơ hội luôn ở phía trước, nhưng bạn phải sẵn sàng.

– Hãy nghỉ ngơi và rời xa thị trường tận hưởng thành quả lao động của mình. Giống như trong poker, chúng ta không nên hạ thấp tiêu chuẩn của mình xuống khi thị trường trở nên kém tích cực hơn.

Giống như trong poker, bài ăn to vẫn là những bài mạnh, khi đối thủ cũng có bài mạnh nhưng yếu hơn ta. Còn trong chứng khoán, đó là những cổ phiếu tốt, điểm mua cực đẹp trong một thị trường mạnh.Hãy mạnh dạn bỏ hết những bài như 2 – 7, 2- J, 3- K, 5- AT…. khi cảm thấy bạn đang không tỉnh táo và sai liên tục.

– Sử dụng check list điểm mua thường xuyên và luôn tự nhắc nhở mình trước gương: Này , hôm nay có thể mày sẽ mắc một sai lầm nghiêm trọng. Hãy cẩn thận, cẩn thận nhé. Tôi thấy đa phần các điểm mua thua lỗ đều là do chúng ta quá dễ dãi, dễ tính với điểm mua đó.

– Rèn dũa kĩ năng để nhận diện VÙNG ĐỈNH của thị trường, của cổ phiếu.

Chúc anh chị em giao dịch thành công.