Việc lan man, đứng núi này trông núi nọ, không tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi mà chạy đi đầu tư theo mốt, theo cái mà mình không hiểu thường sẽ mang lại hậu quả rất đắt, và dù có bao nhiêu tiền rồi cũng sẽ đốt hết. Nhà đầu tư cần rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như tránh vướng vào các doanh nghiệp tương tự như thế này. – Phạm Duy
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà trải lòng về nỗi đau thương trường: Trong 1.000 ngày, tôi mất 1.000 tỷ
(VNF) – Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, cho biết việc đầu tư các dự án bất động sản và trung tâm thương mại trong giai đoạn 2011 – 2014 đã khiến công ty tổn thất tới 1.000 tỷ đồng.
Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà
Lao vào bất động sản, mất ngay 600 tỷ đồng
Ông Lê Vĩnh Sơn cho biết cú sốc đầu tiên của Tập đoàn Sơn Hà bắt đầu từ năm 2008. Đó là năm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh của tập đoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Cuộc khủng hoảng tác động trực tiếp đến các định chế tài chính tại Việt Nam và các ngân hàng đua nhau kéo tiền ra. Khi đó rất căng thẳng, tôi đã phải cãi nhau tay đôi với các lãnh đạo ngân hàng đến đòi nợ. Họ kéo tiền ra và không tái cấp vốn cho doanh nghiệp nữa”, ông Sơn nhớ lại.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2009, Chính phủ tung ra kế hoạch sử dụng 17.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để kích cầu đầu tư, thực hiện thông qua bù lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, khi có tiền rồi, các doanh nghiệp lại không rót vào sản xuất kinh doanh mà đua nhau đổ vào đầu tư bất động sản. Trong cơn lốc đầu tư “điên cuồng” đó, Sơn Hà cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của nhà đất. Tiền được tập đoàn rót mạnh vào bất động sản… nhưng đã một đi không trở lại.
“Chúng tôi không tự làm được các dự án mà phải đi liên doanh với các công ty nhà nước như HUD, Sông Hồng hoặc một số công ty chuyên làm bất động sản. Nhưng quả thật các cam kết của các doanh nghiệp nhà nước là vô cùng khủng khiếp. Chúng tôi đã phải nhận thua về mình.
“Có giai đoạn dự án phải buông bỏ, cho không, bán lại không đáng bao nhiêu. Và cú đấy, Sơn Hà mất 600 tỷ đồng. Tàn dư của nó đến hôm nay vẫn còn, tức là một số danh mục tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay, vẫn phải duy trì, hết hạn thì xin gia hạn. Bởi vì nó vướng một loạt chuyện như giải phóng mặt bằng quá khó khăn, bỏ thì thương mà vương thì tốn tiền. Tính ra chi phí tài chính còn quá việc bán lại”, ông Sơn cho biết.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà “rùng mình” khi nhắc lại: “Giai đoạn đó bắt đầu từ năm 2010. Năm 2011 thì dính đòn và trả giá đến năm 2014. Mỗi ngày đều đếm và tôi đã đếm hơn 1.000 ngày”.
Mở siêu thị: Càng chơi càng lỗ
Một nỗi đau thương trường khác cũng được ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ là câu chuyện đầu tư vào mảng bán lẻ của Tập đoàn Sơn Hà.
“Tôi mua lại tòa Vinconex Plaza ở Hà Đông để mở siêu thị. Lúc chuyển sang bán lẻ, anh Đoàn (ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch tập đoàn Phú Thái – PV) có nói với tôi ‘Sơn ơi, bán lẻ cũng là vấn đề đấy, phải tính’ nhưng lúc đó mình trẻ, cũng rất máu, cứ mở. Mở ra thì đông khách lắm, đông hơn cả Co.op Mart. Mình còn so sánh mình với BigC, Metro và quyết tâm đưa cả đoàn quản lí từ bên đó sang mình với chi phí khổng lồ”, ông Sơn kể lại.
Tuy nhiên, bán lẻ không phải là miếng bánh dễ xơi. Sau một thời gian hoạt động, chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà ngồi tính, tính đi tính lại thì “lòi” ra lỗ.
“Mình hỏi vì sao lỗ, đội BigC bảo phải mở thật nhiều mới có lãi. Nguyên tắc của Metro, BigC là phải mở thật nhiều. Nhưng vướng mắc của việc mở nhiều siêu thị là mặt bằng, rất khó có mặt bằng. Nhưng mình tính bây giờ có mở đến 10 cái (mỗi cái chi phí 100 tỷ đồng) thì cũng không có lãi được.
“Mình hỏi thế bây giờ làm thế nào thì đội BigC bảo là ‘Đoạn này em chưa học! Em chỉ được Tây đưa về quản lí cái đấy thôi, còn tính sao cho nó ra được lãi thì anh thử tính 20 cái xem thế nào”.
Ông Sơn cười chua chát: “20 cái thì không chơi được, chơi chắc chết. Khi đấy mình đã kịp mở đến cái thứ 3 rồi, mà cái thứ 3 lỗ lớn lắm. Mình bảo thế này thì không ổn rồi, chắc phải bỏ cuộc chơi”.
Thế rồi ông Sơn âm thầm đi gặp Lotte, Co.op Mart, bí mật đàm phán chuyển nhượng. “Tôi bảo thôi, giao lại cho các ông đấy, tôi xin 50 tỷ đồng, ông bù lỗ cho tôi”.
Mọi việc tưởng như đã gần xong thì một “người em” của ông Sơn bỗng nằng nặc đòi tiếp tục kinh doanh.
“Nó nói anh không biết làm, em mới làm được, anh giao lại cho em, em hứa với anh 6 tháng làm cho anh hòa vốn. Tôi bảo tao là thằng đẻ ra dự án này, tính đủ mọi thứ rồi còn không có cửa, mày làm sao được. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà nó nhất định bảo em làm được.
“Thế là cuối cùng tôi giao cho nó, tuyên bố luôn tao cho mày cả hệ thống bán lẻ này. Đấy, làm được thì ăn, không được thì chịu. Và đúng 6 tháng sau thì cuộc chiến kết thúc . Ông ấy thông báo là mất thêm 150 tỷ đồng”, ông Sơn chua chát.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà than thở: “Tính ra tất tần tật cái bán lẻ cộng với bất động sản, nó ra con số 1.000. Cuộc đời mình ở khúc này gắn với con số 1.000: 1.000 ngày và 1.000 tỷ. Đó là bài học mà đối với bản thân tôi là kinh khủng”.
Giờ đây, khi đã vượt qua được giai đoạn đen tối của cuộc đời, ông Sơn nói: “Tôi hứa với các cổ đông là trong 5 năm sẽ không làm bất động sản. Đến nay đã gần mãn hạn 5 năm đấy nhưng tôi tin là sau 5 năm, tôi vẫn quyết định chưa tham gia vào bất động sản”.
“Tôi chỉ tham gia vào bất động sản khi tập đoàn lớn hơn, ngành nghề vững chắc hơn. Nếu chơi bất động sản, tôi sẽ dốc 1.000 tỷ để chơi và xác định nếu xấu nhất thì mất luôn 1.000 tỷ này, coi như đấy là mình chơi. Việc chơi bất động sản phải không làm ảnh hưởng đến hệ thống chủ lực của mình thì mới chơi. Dứt khoát sẽ chơi theo kiểu đó chứ không phải chơi theo kiểu đánh bạc tất tay mà làm cho mình tụt hậu hay xiêu đổ cả cốt lõi của mình”, ông Sơn nói thêm.