Con đường trở thành một trader chuyên nghiệp
Bước 1: “Ngây thơ vô số tội”
Đây là bước đầu tiên khi bạn bước chân vào trading. Bạn biết trading là một cách tốt để kiếm tiền, vì bạn đã nghe nhiều về nó và về các triệu phú. Thật không may, cũng giống như lúc bạn bắt đầu tập lái xe, bạn nghĩ là nó thật dễ – sau cùng thì bạn cũng nhận thức được là nó khó khăn biết nhường nào. Thị trường lên rồi xuống, bí mật trong đó là gì – hãy khám phá!
Thật không may, cũng giống như lần đầu bạn ngồi trước tay lái, bạn nhanh chóng hiểu ra rằng bạn chẳng hề có một chút xíu kỹ năng nào để làm việc này. Bạn trade nhiều và “risk” (rủi ro) quá nhiều. Khi bạn mở một “position” và nó đi ngược thì bạn nhảy ra và mở một “position” khác ngược lại, và nó lại đi ngược lại với “position” của bạn… và cứ thế lặp đi, lặp lại.
Bạn có thể gặt hái một vài thành công ban đầu, thực ra thì điều này khá tồi tệ vì nó mách bảo với tiềm thức của bạn rằng “ồ, trade thắng cũng dễ thôi” và bạn bắt đầu “risk” nhiều hơn.
Bạn muốn lấy lại những gì đã mất và bắt đầu “double” mỗi lần trade. Đôi lần bạn thắng, nhưng thường là bạn bị bầm dập và tổn thương, thua lỗ nghiêm trọng. Bạn quên béng là bạn chẳng có kỹ năng nào về trading.
Giai đoạn này thường kéo dài một vài tuần, và thị trường thường thay đổi mau lẹ và bạn bị cuốn vào giai đoạn 2.
Bước 2: Ý thức được tình trạng “thiểu năng” của mình trong trading
Ở giai đoạn này, bạn nhận thức được rằng để trade được thì có nhiều điều cần phải làm, cần phải học và bạn cần phải học hỏi một số điều. Bạn biết rằng thực ra bạn không có các kỹ năng về trading, không đủ hiểu biết để làm ra lợi nhuận.
Bạn bắt đầu mua các hệ thống và hàng loạt các e-book, đọc các website về trading từ Mỹ sang Anh, cho đến Ukrain và bắt đầu đi tìm “chén thánh”.
Trong giai đoạn này, bạn là một nhà thử nghiệm hệ thống, mỗi ngày mỗi tuần bạn thay đổi từ phương pháp nọ qua phương pháp kia và chẳng bao giờ bám trụ đủ lâu để xem liệu chúng có thực sự hiệu quả hay không. Mỗi khi vớ được một chỉ báo nào đó bạn lại tự huyễn hoặc mình rằng nó sẽ tạo nên sự khác biệt.
Bạn thử nghiệm các hệ thống tự động trên metatrader, bạn xài các moving average (trung bình động), các đường Fibonacci, mức hỗ trợ, ngưỡng kháng cự, Pivot, phân kỳ, DMI, ADX và hàng trăm thứ khác với hy vọng rằng hệ thống “thần kỳ” của bạn sẽ hiệu quả ngay tức thì trong hôm nay. Bạn bắt đỉnh, bắt đáy, cố tìm chính xác các điểm đảo chiềuvới các chỉ báo và nhận ra rằng bạn tiếp tục thua lỗ, thậm chí thua lỗ thêm chỉ vì bạn tin chắc rằng hệ thống của bạn đúng.
Bạn gia nhập các chat room và chứng kiến các trader khác kiếm tiền, và bạn muốn biết tại sao bạn lại không – bạn hỏi hàng loạt câu hỏi, một số trong đó thật ngớ ngẩn mà khi nhìn lại bạn thấy thật buồn cười. Bạn đi đến ý nghĩ là tất cả những người trade thắng chỉ là những kẻ nối dối mà thôi, họ không thể thắng vì bạn đã làm hết cách mà bạn còn không thể thì tại sao họ lại có thể cơ chứ? Bạn cũng biết nhiều như họ và ắt hẳn họ là những kẻ nói dối. Nhưng họ vẫn ở đấy ngày qua ngày, “account” (tài khoản) của họ tăng dần trong khi của bạn thì ngược lại.
Bạn giống như một cậu bé, các trader kiếm được tiền cho bạn lời khuyên nhưng bạn vẫn cứ cứng đầu và nghĩ rằng bạn đã biết rồi. Bạn bỏ qua các lời khuyên và tiếp tục “overtrade” (giao dịch với số lượng quá lớn) cho dù ai đó nói rằng bạn bị khùng đi nữa, bạn vẫn nghĩ là bạn biết.
Bạn suy nghĩ và mua tín hiệu của một số người, nhưng điều này cũng chẳng giúp gì hơn cho bạn.
Thậm chí bạn còn tiếp cận một “Guru” như Rob Booker chẳng hạn hoặc ai đó có vẻ hứa hẹn trong việc giúp bạn trở thành một trader có lợi nhuận (đương nhiên thường là với một khoản phí nhất định). Cho dù ông thầy có giỏi đi nữa thì bạn cũng không thể thắng vì chẳng gì có thể thay thế được kinh nghiệm mà bạn thì vẫn nghĩ là bạn đã biết.
Giai đoạn này có thể kéo dài rất, rất lâu – theo hiểu biết của tôi khi chuyện trò với các trader khác cũng như từ kinh nghiệm cá nhân thì giai đoạn này thường kéo dài từ 1 năm đến khoảng gần 3 năm. Đây cũng chính là giai đoạn mà bạn hầu như đã muốn bỏ cuộc vì nản chí.
- Khoảng 60% trader mới rơi rụng trong 3 tháng đầu – họ bỏ cuộc và điều này thật là tốt cho họ – hãy suy nghĩ về nó – nếu trading là dễ dàng thì tất cả chúng ta đã là triệu phú hết rồi!
- Khoảng 20% theo đuổi trong vòng 1 năm và sau đó thì thổi bay account, đương nhiên là vậy rồi.
- Điều sẽ làm bạn ngạc nhiên là 20% còn lại tiếp tục hành trình trong khoảng 3 năm – và họ nghĩ rằng họ đã sống sót – nhưng thậm chí là sau 3 năm thì cũng chỉ có 5-10% là có thể tiếp tục được hành trình và thực sự kiếm tiền ổn định.
Cũng nói luôn, đây là những con số thực, không phải là những con số mà tôi nghĩ ra – vậy nên khi bạn đã tham gia cuộc chơi được 3 năm đi nữa thì cũng đừng nghĩ rằng quãng đường bạn đi sẽ êm đềm kể từ đấy. Nhiều người đã tranh luận với tôi về khoảng thời gian 3 năm này – thật buồn cười là chưa ai trong số họ tham gia trading được 3 năm cả – nếu bạn nghĩ là bạn biết hơn người khác thì hãy hỏi xung quanh xem có ai đã trade 5 năm chưa và hỏi họ là mất bao lâu để có thể kiếm tiền ổn định. Tôi hiểu là luôn có ngoại lệ – nhưng quả thật là tôi chưa từng chứng kiến ngoại lệ đó bao giờ.
Cuối cùng thì bạn cũng kết thúc giai đoạn này. Có thể bạn sẽ cam kết bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn so với mức bạn đã từng nghĩ, đốt vài ba account, bỏ cuộc ba bốn lần gì đó, nhưng giờ đây nó đã ở trong máu bạn.
Một ngày, trong một thời khắc nọ, bạn bước vào giai đoạn thứ ba.
Bước 3: The Eureka moment
Đến cuối chặng đường thứ hai (giai đoạn 2) bạn nhận ra rằng sự khác biệt không phải là do các hệ thống tạo ra. Bạn nhận ra có thể kiếm tiền chỉ với một đường trung bình động, chẳng cần gì khác nếu bạn có cách nghĩ và cách quản lý vốn thích hợp. Bạn bắt đầu đọc sách về tâm lý trong trading, đồng cảm với các nhân vật được khắc họa trong những cuốn sách này và cuối cùng bạn đi đến giờ phút “Eureka”.
Thời khắc “Eureka” này tạo ra một sự kết nối với những gì đã có trong bạn. Bạn chợt nhận ra rằng bạn, bất kỳ ai cũng không thể dự đoán chính xác được thị trường sẽ chuyển động ra sao trong 10 giây hay 20 giây tới, nên cũng đừng bận tâm nó sẽ ra sao trong 20 phút tới. Vì phát hiện này mà bạn thôi không còn quan tâm đến việc người khác nghĩ gì – tin này sẽ ảnh hưởng như thế nào, sự kiện nọ sẽ ảnh hưởng đến thị trường ra sao. Bạn trở thành một cá thể với phương pháp riêng của bạn.
Bạn bắt đầu tập trung vào chỉ một hệ thống và mài dũa nó theo cách của bạn, bạn bắt đầu cảm thấy vui sướng và xác định ngưỡng rủi ro của mình.
Bạn bắt đầu thực hiện các giao dịch khi mà hệ thống của bạn cho thấy tỉ lệ thắng cao. Khi position đi ngược bạn không giận dữ vì bạn ý thức rằng bạn không thể tiên đoán, và bạn nhanh chóng đóng lệnh khi thị trường đi ngược hướng. Trade tiếp theo hoặc tiếp theo hoặc trade sau đó nữa sẽ có khả năng thắng cao hơn vì bạn biết hệ thống của bạn làm việc hiệu quả.
Bạn ngưng việc nhìn vào viễn cảnh của mỗi giao dịch và bắt đầu nhìn vào các con số hàng tuần, bạn biết rằng một giao dịch tồi không có nghĩa là hệ thống của bạn tồi. Trong một khoảnh khắc bạn nhận ra rằng trò chơi trading gắn với một điều duy nhất: kiên định với hệ thống và kỷ luật đặt ra trong mỗi giao dịch bất luận điều gì xảy đến, vì bạn biết rằng chung cuộc bạn sẽ giành phần thắng.
Bạn học về quản lý vốn và đòn bẩy, ví dụ như rủi ro bao nhiêu trên tài khoản của bạn,… và giờ đây bạn thực sự “ngấm” nó, và bạn mỉm cười nhớ lại những người đã khuyên bạn những điều này một năm về trước. Lúc đó bạn chưa hề sẵn sàng, nhưng giờ đây bạn đã.
Giây phút “Ereka” đến lúc bạn thực sự chấp nhận rằng bạn không thể tiên đoán thị trường.
Bước 4: Hoàn thiện năng lực một cách có ý thức
Bạn trade khi hệ thống của bạn cho tín hiệu. Bạn đón nhận mỗi giao dịch dễ dàng như nhau, dù thắng hay thua. Bạn chấp nhận rủi ro để các giao dịch thắng của mình có cơ hội đi hết chặng đường của nó vì bạn biết rằng hệ thống của bạn kiếm được tiền nhiều hơn là làm mất tiền, và bạn nhanh chóng “close” khi đó là một cú trade thất bại để nó không làm tổn hại lớn cho tài khoản của bạn. Giờ đây bạn ở vào thời điểm mà phần lớn các giao dịch đều hòa vốn, ngày lời ngày lỗ, có tuần bạn kiếm được trăm “pip” và có tuần bạn thua trăm “pip” (PIP là từ viết tắt của “Price Interest Point”, tức là nó được dùng để xác định mức lãi của giao dịch dựa trên điểm của giá.) – nói chung bạn huề vốn và không bị mất tiền. Giờ đây, bạn ý thức rằng bạn đang tiến tới trên con đường của mình và bạn nhận được sự tôn trọng của các trader khác khi thảo luận với họ mỗi ngày. Bạn vẫn phải làm việc và suy nghĩ về những giao dịch của mình, và khi tiếp tục điều này bạn bắt đầu kiếm được nhiều hơn số bị mất, một cách ổn định.
Bạn bắt đầu một ngày thắng 20 pip, thua 35 pip nhưng bạn không nghĩ rằng mình đã trả lại những gì đã kiếm được cho thị trường vì bạn biết rằng bạn sẽ lấy lại nó. Giờ đây bạn kiếm tiền ổn định tuần này qua tuần khác, tuần thì 25 pip, tuần thì 50 pip… và cứ thế.
Bước 5 – Năng lực vô thức
Giống như bạn đang chế biến món ăn – hay cũng giống như việc lái xe, mỗi ngày bạn ngồi vào ghế, vào lệnh – giờ đây bạn làm mọi thứ một cách vô thức. Bạn đang ở chế độ lái tự động. Bạn bắt đầu thực hiện những giao dịch lớn hơn và việc thắng 200 pip một ngày cũng không làm bạn hào hứng hơn so với 1 pip.
Bạn thấy các newbie trong forum gào lên “go dollar go” như thể họ đang thúc giục một con ngựa đua trong một giải đấu quốc gia trọng đại, và bạn nhìn thấy hình ảnh của chính mình – nhưng là của nhiều năm về trước.
Như là một điều không tưởng trong trading – bạn đã thực sự làm chủ cảm xúc của mình, và giờ đây bạn là một trader có mức tăng trưởng tài khoản rất nhanh.
Bạn là ngôi sao trong chatroom và mọi người lắng nghe những gì bạn nói. Bạn nhận ra hình ảnh của mình khoảng 2 năm về trước trong các câu hỏi của họ. Bạn khuyên họ, nhưng bạn biết rằng hầu hết những lời khuyên đó rồi sẽ bị gió cuốn đi vì họ là những đứa trẻ chưa trưởng thành – một vài người trong số họ sẽ vươn tới vị trí như bạn giờ đây – một số đi nhanh và số khác chậm hơn – thực sự là rất nhiều, rất nhiều người không bao giờ bước ra khỏi giai đoạn thứ hai, trừ một số ít người.
Trading giờ đây chẳng còn gì hứng thú nữa – thực sự mà nói thì nó còn hơi buồn tẻ nữa là khác – cũng như mọi thứ khác trong đời, khi mà bạn trở nên thuần thục, hoặc đó chỉ là công việc phải làm – thì nó trở nên buồn tẻ. Chỉ là công việc, vậy thôi.
Cuối cùng thì bạn cũng rời chat room và chọn một vài người để cùng nhau trao đổi về thị trường, nhưng bạn cũng không hề bị ảnh hưởng gì từ họ nữa.
Tất cả thời gian giờ đây bạn tập trung vào mài dũa phương pháp của mình để đạt được lợi nhuận lớn nhất từ thị trường mà không làm gia tăng tỉ lệ rủi ro. Phương pháp giao dịch của bạn không thay đổi – nó chỉ hoàn thiện hơn- giờ đây bạn có cái mà phụ nữ hay gọi là “linh tính”.
Giờ đây bạn có thể ngẩng cao đầu mà nói “Tôi làm nghề giao dịch tiền tệ”, nhưng thành thật mà nói, bạn cũng chẳng hề muốn làm phiền ai với việc nói ra điều đó – chỉ là một công việc như bất kỳ công việc nào khác mà thôi.
Tôi hy vọng bạn cảm thấy thú vị khi đọc hành trình để trở thành trader này và hy vọng rằng bạn tìm thấy nhiều điều đồng cảm ở đây.
Hãy nhớ rằng chỉ có 5% thực sự thành công – nhưng lý do thất bại không nằm ở năng lực mà là ở khả năng chịu đựng, khả năng thay đổi nhận thức và khả năng thay đổi các hình mẫu khi mọi thứ thay đổi.
Người thua cuộc là người muốn “giàu nhanh”, tiếp cận thị trường và tự gắn cho mình những mảnh vải che mắt, vì vậy mà họ không nhìn thấy sự thật hiển nhiên – một dạng quan điểm kiểu “đây là cách tôi nghĩ về nó và nó phải là như vậy” – từ chối “tiêu hóa” những điều làm thay đổi nhận thức đó.
Tôi rất vui khi nói rằng lý do tôi bước chân vào trading là vì muốn “giàu nhanh”. Giờ thì tôi nghĩ về nó như là cách để “giàu chậm”.
(Nguồn:
https://tapchitienao.com/con-duong-tro-thanh-mot-trader-chuyen-nghiep.html )
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.