Jesse Livermore: 8 sai lầm và 23 quy tắc giao dịch nổi tiếng

Đăng lúc 13 07, 2020

Jesse Lauriston Livermore nổi danh là một trong các nhà kinh doanh vĩ đại của thế kỷ 20. Chỉ một số ít người có khả năng kiếm được lợi nhuận lớn, hoặc mất tất cả, nhanh như Livermore. Được biết đến như một “con bạc trẻ liều lĩnh” bởi cách ông ta dám đầu cơ một lượng lớn cổ phiếu hoặc hàng hóa, Livermore đã sống theo theo đúng cách thức kinh doanh của mình – tiến hết sức lực về phía trước. Ông ta cũng rất nổi tiếng đối với giới nữ vì vẻ bề ngoài bảnh trai và cách sống hào nhoáng trong giàu sang của mình.

Jesse Livermore là ai?

Jessie Livermore sinh ra ở thị trấn South Acton, tiểu bang Massachusetts vào năm 1877. Sớm bỏ học sớm từ khi 15 tuổi và chuyển đến Boston, Livermore trở thành nhân viên của công ty Chứng khoán Paine Webber.

Trong quá trình làm việc, Livermore phải cập nhật các thông tin về giá của cổ phiếutrái phiếu và các loại hàng hóa trên bảng lớn bằng phấn. Nhận thấy được sự biến động giá cả, Livermore cũng đã nhận xét được rằng giá cả thường thay đổi theo chiều hướng có thể đoán được. Sau đó ông kết luận rằng có thể chiến thắng được thị trường và tin rằng mình có thể kiếm được một số tiền lớn.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Livermore không có đủ số tiền cần thiết để tiến hành kinh doanh chứng khoán, do vậy ông đã giải khuây bằng cách đến các nơi tổ chức cá cược, nơi ông có thể thực hiện việc kiếm tiền bằng cách đoán các xu hướng tăng giảm của thị trường chứng khoán và hàng hóa theo chọn lựa của mình. Chỉ mới 15 tuổi nhưng Livermore đã kiếm được hơn 1 ngàn Đô la Mỹ – số tiền này được xem là khá lớn vào thời điểm hiện nay.

Những nơi tổ chức cá cược này chỉ có hình thức khác hơn các sòng bài đôi chút. Sau khi nhiều lần bỏ ngoài tai các lời khuyến cáo cũng như ngăn cấm của người phụ trách trực tiếp ở công ty Paine Webber, Livermore đã bị sa thải.

Jesse Livermore là ai?

Rời bỏ Paine Webber, con bạc trẻ liều lĩnh đã chính thức trở thành nhà kinh doanh toàn thời gian sau, tuy nhiên Livermore đã bị các sòng bạc ở Boston cấm cửa. Ông chuyển đến tham gia tại các tổ chức cá cược khác tại vùng Trung Tây và vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ, những nơi mà ông đã kiếm thêm được khoảng 50 ngàn đô la Mỹ. Livermore cũng phải sử dụng phương kế cải trang và sử dụng các tên giả để đánh lừa và qua mặt sự ngăn cấm của các tổ chức cá cược này.

Khi 20 tuổi, Jesse Livermore chuyển đến New York và khởi đầu sự nghiệp của ông mà cho đến bây giờ người ta vẫn nhìn nhận ông như một nhà kinh doanh vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Năm 1906, Livermore nhận được một lời mách nước rằng nên đầu tư bán khống cổ phiếu của Union Pacific và ông đã thực hiện một thương vụ khá lớn. Cổ phiếu của Union tăng giá, và Livermore đã thực sự gặp phải rắc rối.

May mắn thay, trận động đất ở San Francisco đã khiến cho cổ phiếu Union Pacific mất giá thảm hại, và đem lại cho Livermore khoản lợi nhuận 250.000 đô la Mỹ. Qua đó Livermore đã có được một bài học rõ ràng về sự nguy hiểm khi nghe theo các lời mách nước một cách mù quáng.

Năm 1907, ông có tiếng như là “kẻ cướp ở thị trường gấu”, chuyên thực hiện giao dịch bán khống với khối lượng cực lớn. Có thông tin nói rằng tập đoàn hùng mạnh như J.P. Morgan đã gửi một nhà thương thuyết trung gian đến gặp Livermore để yêu cầu ông hạn chế bớt các hoạt động giao dịch của mình.

W.D. Gann, trong bài viết 45 năm của Wall Street (trang 117) đã mô tả Livermore như là “một trong những nhà kinh doanh ngoạn mục nhất của thời đấy”. Gann nhìn nhận rằng Livermore là một người trọng danh dự, người mà “được tin tưởng sẽ hoàn trả đầy đủ các khoản nợ ngay cả khi ông vừa được phóng thích trong phiên tòa tuyên bố phá sản”.

Thực tế, Livermore và rất nhiều nhà kinh doanh cũng như đầu tư khác, bao gồm cả Gann, đã từng bị mất tiền khi công ty chứng khoán Murray Mitchell thất bại năm 1913. Trong từ ngữ của Gann: “Vào năm 1917 khi Livermore trở lại và tạo dựng sự phát đạt, ông ta không chỉ trả lại phần tiền tương xứng mà tôi đã mất qua vụ phá sản của Mitchell, mà còn trả lại cho mọi người khác”. Gann nói thêm, “Làm được điều này quả là danh dự, và do bởi danh dự và sự trung thực của Livermore, năm 1934 khi ông ta phá sản, tôi đã giúp đỡ ông ấy và kêu gọi những người khác đóng góp và hỗ trợ ông ta. Livermore đã trở lại và lại kiếm được tiền”.

Sự chỉ trích duy nhất của Gann đối với Livermore là ông ta chỉ biết cách kiếm tiền – mà không biết cách giữ tiền. Trong từ ngữ của Gann “Ông ta có sự tham lam và động lực quyền hành, và khi ông ta có số vốn rất lớn, ông ta không thể kinh doanh một cách cẩn trọng. Ông ấy đã cố gắng làm cho thị trường chuyển động theo cách của ông thay vì chờ đợi đến khi thị trường thực sự sẵn sàng để chuyển biến theo xu thế tự nhiên”.

Sự thành công của Livermore đã cho phép ông hưởng thụ một lối sống mà rất nhiều người phải mơ ước. Nhà đầu cơ có vẻ ngoài cao ráo gầy gò tóc hoe vàng đã mua cho mình một chiếc du thuyền dài khoảng 60 mét, đặt tên là Anita (có thời giá hiện nay khoảng 60 triệu đô la Mỹ). Ông ta hẹn hò các quý cô danh giá và nổi tiếng, bao gồm nữ diễn viên Lillian Russell. Thành tích kinh doanh chói lọi của ông sớm được nổi tiếng, và mọi người thường ví von một ai đó là “giàu như Jessie Livermore” khi nói về sự giàu có.Trong thế chiến I, Livermore đoán trước được rằng cà phê sẽ thực sự tăng giá mạnh, và nhanh chóng thiết lập vị thế kinh doanh của mình rộng khắp. Lợi nhuận thu được lên đến nhiều triệu Mỹ kim, tuy nhiên hợp đồng cà phê đã bị làm cho mất hiệu lực. Chính quyền tin rằng ông đã đầu cơ trục lợi trong thời chiến. Điều này dẫn đến sự phá sản lần thứ ba của Livermore.

Các lời buộc tội bao gồm:

  • Sử dụng thông tin nội gián;
  • Che đậy vị thế kinh doanh;
  • Lũng đoạn thị trường cổ phiếu; và/ hoặc
  • Cố tình lừa dối, hoặc giả tạo thông tin công bố công cộng.

Livermore trở nên nổi tiếng bởi chiến lược của ông ta là chờ đợi cho đến khi cổ phiếu mà ông ta đã mua tăng giá đến một mức mà ông ta có thể kiếm được một khoản lợi nhuận danh nghĩa đáng kể, và sau đó thuyết phục phóng viên của tờ New York Times, hoặc các tờ báo có ảnh hưởng khác, rằng loại cổ phiếu này là thực sự đáng mua. Livermore sau đó bán tống hết khoản đầu tư chứng khoán của mình, vào thị trường đang điên cuồng tranh mua được tạo ra bởi những bài viết của các phóng viên.

Tại đỉnh cao của mình, ông ta sở hữu những khối tài sản khổng lồ ở nhiều quốc gia, bao gồm nhiều bất động sản, những chiếc xe Roll Royce sang trọng, những chiếc du thuyền lộng lẫy, và ông ta cũng nổi tiếng vì những bữa tiệc lãng phí hoang toàng.

Ông ta cũng duy trì một văn phòng bí mật ở đường số 5 nổi tiếng (The Fifth Avenue). Tại văn phòng này Livermore đã điều hành các hoạt động môi giới chứng khoán quy mô của mình, với rất nhiều đường điện thoại và các đường điện tín riêng. Văn phòng này được trang bị một bảng hiển thị chứng khoán loại lớn, cập nhật bởi các nhân viên kế toán của ông. Ông ta cũng tuyển dụng một nhóm các nhà phân tích thị trường chứng khoán và hàng hóa. Mục đích duy nhất của văn phòng này là nhằm thuận tiện phục vụ các hoạt động kinh doanh và đầu tư của Livermore.

Năm 1933, Livermore suy sụp nặng nề bởi sự suy thoái của nền kinh tế. Sau một trận rượu say sưa kéo dài 26 tiếng đồng hồ, ông ta đến đồn cảnh sát và nói với các viên cảnh sát ở đây rằng mình đã mất trí nhớ.

Do không thể tích lũy tiền bạc với tốc độ mà ông ta đã từng làm, Livermore quyết định bán bí mật kinh doanh của mình thông qua hình thức một cuốn sách. “Kinh doanh Chứng khoán” (How to Trade Stocks) được xuất bản năm 1940 dưới hai phiên bản – phiên bản bọc da, và phiên bản “của công chúng” (any man’s edition). Cuốn sách thất bại trong việc chiếm được cảm tình và lý trí kinh doanh của công chúng.

Hai năm sau đó, Jesse Livermore sau khi uống hai ly rượu tại khách sạn Sherry-Netherland ở Manhattan, ông đã viết lá thư dài 8 trang cho người vợ thứ ba của mình, trong đó có câu “cuộc đời anh là một sự sai lầm”.

Người đàn ông thực sự nổi danh được biết đến như là Con bạc trẻ liều lĩnh, Con gấu vĩ đại, và Ông vua Bông, sau đó đã bước vào phòng gửi nón của khách sạn, ngồi vào một chiếc ghế, và tự bắn vào đầu của mình. Cuộc đời của một người được thừa nhận nhận như là nhà kinh doanh vĩ đại nhất mọi thời đại đã kết thúc. Jesse Livermore, nhà kinh doanh siêu hạng, người đã kiếm được rất nhiều tiền, để lại một tài sản trị giá ít hơn 10 ngàn Mỹ kim.

Tờ New York Times đã tiễn biệt Jesse Livermore với bài viết:”Những điều gì tốt đẹp ông đã làm, những thiệt hại gì ông đã gây ra, những điều gì ý nghĩa trong cuộc sống của ông và những người khác – những điều này nên dành cho các nhà viết tiểu thuyết… Đam mê của ông đã giúp ông cất cánh… Ông đã sống trong thời kỳ mà mọi sự suy đoán về những việc ông đã làm cũng giống như việc những đứa bé trộm cắp những đồng xu lẻ… Ông không để lại đám mây hào quang phía sau sự ra đi của ông, cũng không để lại chướng khí bất hạnh cho con người mà ông đã tạo ra… Con đường (“Street”) mà ông đã lợi dụng không phải là nó (“Street”) đã từng một lần như thế. Cái chết của ông là dấu chấm hết cho kỷ nguyên này”.

Di sản để lại của Livermore

Livermore mất hơn 60 năm về trước, và để lại cho thế giới kinh doanh 3 thứ:

Kinh doanh Chứng khoán (How to Trade in Stocks)

Cuốn sách “Kinh doanh Chứng khoán” của Livermore được đăng ký bản quyền năm 1940, năm mà Livermore chết. Được tin rằng ông viết cuốn sách này trong sự cố gắng tuyệt vọng nhằm kêu gọi vốn.

Hồi ký của người hoạt động chứng khoán (Reminiscences of a Stock Operator)

Không có thư viện kinh doanh nào mà không có cuốn sách này. Không có gì ngạc nhiên khi biết rằng nhiều tác giả hiện này vẫn thường xuyên trích dẫn nội dung của nó.

Di sản thứ 3 và là cuối cùng của Jesse Livermore cho thế giới chính là câu chuyện về cuộc đời ông.

Ở một khía cạnh ông là người đàn ông đáng kính trọng, người mà thanh toán cho các khoản nợ mà ông ta không chính thức có trách nhiệm phải trả.

Ở khía cạnh khác, ông ta cũng là nhà kinh doanh vĩ đại, người mà sẵn sàng dùng mọi phương thức hợp pháp để gia tăng cơ hội kiếm tiền của mình.

Chỉ một điều duy nhất mà các người ủng hộ cũng như chống đối ông đều đồng ý là ông thực sự đã là ông chủ thị trường.

Cuộc chơi của sự đầu cơ là cuộc chơi có sự quyến rũ lớn nhất trên thế giới. Nhưng nó không phải là cuộc chơi của những kẻ ngốc nghếch, kẻ lười động não, kẻ có sự cân bằng cảm xúc kém cỏi, và cũng không dành cho kẻ mạo hiểm tìm kiếm sự giàu có qua đêm. Bọn họ sẽ chết trong nghèo đói. (Trang 15).

Cẩn trọng đối với thông tin nội gián… tất cả các thông tin nội gián… vì nếu quả thật có khoản tiền dễ kiếm rơi ngoài đường, cũng chẳng có ai cầm lên bỏ vào túi của bạn. (Trang 58).

Những quy tắc giao dịch của Jesse Livermore

Nếu bạn chưa có điều kiện nghiên cứu những cuốn sách giá trị này thì bài viết dưới đây sẽ lựa chọn các trích dẫn tốt nhất về Jesse Livermore để giúp bạn cải thiện giao dịch của mình. Tất cả các trích dẫn của ông có thể được sử dụng như các quy tắc giao dịch tuyệt vời ngay với cả thị trường tiền điện tử.

Vậy tại sao các quy tắc giao dịch mà Jesse sử dụng vào đầu năm 1900 vẫn còn đáng lưu tâm ở thị trường hiện nay?

1. “Không có gì mới ở Wall Street. Điều đó không thể xảy ra vì đầu cơ cũng lâu đời như những ngọn đồi. Bất cứ điều gì xảy ra trong thị trường chứng khoán ngày hôm nay đã từng xảy ra trước đây và sẽ xảy ra một lần nữa”.

Khẳng định như vậy là bởi vì thị trường chứng khoán được tạo thành từ tất cả các trader. Hay nói cách khác, tất cả các trader tạo ra thị trường chứng khoán. Và bản chất con người không thay đổi theo thời gian.

Dĩ nhiên sẽ có những hoàn cảnh khác nhau trong thị trường ngày nay so với gần trăm năm trước.

Nhưng cách mọi người phản ứng với những thay đổi trên thị trường chứng khoán sẽ không bao giờ thay đổi.

2. “Mua chứng khoán tăng và bán chứng khoán giảm”

Có những trader và nhà đầu tư ‘ngược đời’ nhưng lại rất thành công trên thế giới. Tuy nhiên, mặc dù bạn có thể trở nên thành công khi đi ngược lại xu hướng thị trường chứng khoán, nhưng nếu cùng hòa vào dòng thời đại thì dễ dàng hơn nhiều.

Khi chứng khoán di chuyển theo một hướng nhất định, điều đó có nghĩa là hầu hết các trader đều có cùng ý tưởng về việc chứng khoán sẽ đi về đâu. Nếu đa số nghĩ rằng giá sẽ tăng cao hơn thì họ sẽ quyết định mua. Điều này làm cho giá càng tăng hơn nữa và tạo ra lời tiên tri tự hoàn thành.

Chọn các cổ phiếu đang giao dịch cao hơn theo thời gian và bạn biết là hầu hết các trader tham gia tin giá sẽ tiếp tục tăng.

Đừng làm khó bản thân bằng cách chống lại thế giới. Thay vào đó hãy học cách nhận biết các dấu hiệu khi cổ phiếu bắt đầu di chuyển để bạn có thể sớm nhập cuộc chơi.

Bằng cách đó, bạn có thể thu được lợi nhuận cao nhất từ bước chuyển lớn mà cổ phiếu sẽ thực hiện.

3. “Không giao dịch hàng ngày”.

Là một trader mới, bạn rất háo hức được hoạt động trên thị trường. Bạn đổ dồn tất cả thời gian của mình để nghiên cứu, tìm kiếm các giao dịch.

Tuy nhiên, hãy nhớ là không cần giao dịch hàng ngày. Và thậm chí còn tốt hơn nếu không giao dịch nhiều lần.

Bạn cần học cách không ép buộc bản thân giao dịch hay giao dịch miễn cưỡng. Chỉ chọn các giao dịch có tỷ lệ cược tốt nhất để kiếm tiền.

Tất cả các ngành nghề khác sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị và rất căng thẳng khi bạn tập trung vào chúng. Và đó sẽ không bao giờ là lĩnh vực giúp bạn kiếm được số tiền lớn.

4. “Chỉ giao dịch khi thị trường tăng giá hoặc giảm giá rõ ràng”

Như đã đề cập trước, tốt hơn bạn nên đi theo hướng phát triển của chứng khoán. Điều tương tự cũng diễn ra đối với thị trường nói chung.

Giao dịch chứng khoán vốn dĩ đã đủ phức tạp, vì vậy, không cần phải làm cho nó khó hơn cần thiết.

Khi thị trường không có định hướng rõ ràng, tốt nhất là “nằm vùng” quan sát. Chỉ cần chờ đợi và xem thị trường đang hình thành như thế nào.

Thị trường chứng khoán là đại diện trung bình của tất cả các chứng khoán được giao dịch trên thị trường. Một khi thị trường hình thành xu hướng rõ ràng, có nghĩa là phần lớn các chứng khoán đang đi theo cùng một hướng.

Đó là những lựa chọn dễ dàng cho bạn.

Khi thị trường không có định hướng rõ ràng, không có thông tin về việc tất cả các chứng khoán riêng lẻ sẽ làm gì thì chớ manh động.

5. “Chỉ thực hiện giao dịch sau khi hành động thị trường xác nhận ý kiến của bạn và ngay lập tức tham gia”

Trước khi thực hiện giao dịch, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch giao dịch của mình. Không chỉ lên kế hoạch khi nào cần tham gia giao dịch, mà cả khi nào nên kết thúc.

Hãy tỉ mỉ trong nghiên cứu và đảm bảo giao dịch phù hợp với chiến lược đã đặt ra. Hãy tạo kế hoạch cho mỗi giao dịch mà bạn muốn thực hiện.

Sau khi kế hoạch giao dịch đã sẵn sàng, đừng lao ngay vào giao dịch. Hãy để thị trường xác nhận những gì bạn đã dự đoán và chờ thời cơ thích hợp để nhảy vào.

6. “Tiếp tục các giao dịch có tiềm năng lợi nhuận, kết thúc các giao dịch cho thấy thua lỗ”

Bạn có thể kết thúc nhiều giao dịch đang hoạt động vào bất cứ lúc nào. Trong những trường hợp đó, điều quan trọng là phải nhớ giữ lại các giao dịch có tiềm năng mang cho bạn chiến thắng huy hoàng.

Đối với hầu hết các trader, không dễ gì khiến họ chấp nhận chịu thua. Đầu tiên, họ lấy lợi nhuận từ các giao dịch chiến thắng và giữ lại cho các giao dịch thua lỗ. Họ hy vọng những chứng khoán thua lỗ sẽ xoay vòng và thay đổi lợi nhuận.

Tuy nhiên, hy vọng không phải là một chiến lược hiệu quả cho thị trường chứng khoán.

Và hy vọng chứng khoán thua lỗ sẽ hồi sinh theo chu kỳ là một điều hết sức ngu ngốc. Đừng cố gắng chiến đấu với thị trường.

7. “Kết thúc giao dịch khi thấy rõ xu hướng đang tạo lợi nhuận sắp kết thúc”

Đúng theo quy trình, người chơi đã nghiên cứu về mọi giao dịch mà họ thực hiện và lên kế hoạch giao dịch. Khi thị trường xác nhận ý tưởng theo kế hoạch, họ sẽ quyết định thực hiện một vị trí. Thật đáng hoan nghênh!

Tiếp theo, quan trọng nhất là phải lường trước được tất cả những thay đổi có thể xảy ra khiến kế hoạch trading trở nên vô giá trị. Hãy chuẩn bị bán vị trí khi thị trường thay đổi hướng.

Khi xác nhận chứng khoán trước đó không còn cho thấy lợi nhuận nữa, chỉ có một điều có thể làm là đóng vị trí của bạn.

8. “Trong bất kỳ lĩnh vực nào, hãy giao dịch chứng khoán hàng đầu – một trong những xu hướng mạnh nhất”

Trong nghiên cứu của mình, bạn đã tìm thấy một lĩnh vực đang làm rất tốt ở thị trường hiện tại. Bạn đã quyết định tìm kiếm chứng khoán trên thị trường đó để giao dịch.

Vậy tại sao không chỉ đi giao dịch với loại tốt nhất? Phải chăng vì có rất ít chứng khoán tỏ ra hấp dẫn tại một thời điểm nhất định?

Đừng bị cám dỗ! Như đã nói, bạn cần thực hiện giao dịch dễ dàng nhất có thể cho mình.

Và chứng khoán hàng đầu sẽ mang lại cho bạn cơ hội thành công cao nhất. Đừng bao giờ làm khác đi với mong muốn thành công hơn thế.

9. “Đừng bao giờ để tổn thất chung, chẳng hạn bằng cách mua thêm chứng khoán đã giảm giá”

Một trong những vị trí của bạn cho thấy khả năng thua lỗ. Làm gì bây giờ? Có lẽ bạn nên thêm vị trí khác?

Thông thường, người chơi tin chắc rằng chứng khoán của họ sẽ luôn tăng cao hơn. Và giá mua hiện tại thấp hơn so với chứng khoán mà bạn đã sở hữu. Nghe có vẻ như một món hời phải không?

Không! Bình tĩnh và đừng để bị dụ vào trò chơi thua cuộc đó.

Các chứng khoán cho thấy tiềm năng thua lỗ rõ ràng phản ánh quan điểm của bạn là sai. Không có lý do gì để bạn tiếp nối sai lầm.

10. “Đi long khi cổ phiếu đạt mức cao mới. Bán short khi đạt mức thấp mới”

Khi cổ phiếu bước vào một khu vực giá mới, thật khó dự đoán nó sẽ làm những gì? Đây cũng là nơi có thể tìm thấy các ngoại lệ thị trường lớn nhất.

Cổ phiếu đạt mức cao mới tức là chưa bao giờ được định giá cao như vậy. Điều đó chủ yếu xảy ra bởi vì tương lai có vẻ tốt hơn so với quá khứ. Đó là thời điểm hoàn hảo để mua chứng khoán và có được lợi nhuận từ tương lai tươi sáng.

Ngược lại, hãy short chứng khoán một khi nó tạo ra mức thấp mới. Có lẽ có lý do nào đó khiến chứng khoán bị hạ giá.

11. “Đừng trở thành một nhà đầu tư tùy tiện bằng cách nắm giữ các chứng khoán có giá giảm”

Khi giao dịch của bạn không hoạt động và vị thế của bạn cho thấy thua lỗ, thật khó để cắt giảm nó.

Đối với con người chúng ta, việc nhìn nhận lỗi lầm của chính mình là vô cùng khó khăn. Đặc biệt là khi chúng gây thiệt hại cho chúng ta.

Nhưng đừng bị cám dỗ để biến một giao dịch thành một khoản đầu tư bằng cách holding chứng khoán.

Nếu bạn đang tìm kiếm các khoản đầu tư, bạn nên bắt đầu với một bộ tiêu chí khác. Đừng sử dụng kế hoạch trading cho mục đích đầu tư.

Xu hướng chứng khoán không xảy ra giống như bạn dự đoán ư? Hãy rời khỏi ngay lập tức. Rút kinh nghiệm từ đó và bắt đầu tìm kiếm cơ hội tiếp theo.

12. “Thị trường không bao giờ sai – là quan điểm sai”

Đừng bao giờ tranh luận với thị trường chứng khoán ngay cả khi bạn đã nghiên cứu rất tỉ mỉ và bạn chắc chắn 1000% cổ phiếu phải di chuyển theo một hướng nhất định.

Khi bạn nhận thấy thị trường bắt đầu đi chệch hướng, bạn cần phải thoát khỏi giao dịch ngay.

Kế hoạch của bạn có thể được chứng minh là đúng trong tương lai nhưng rõ ràng hiện tại thị trường không đồng ý với điều đó. Và đừng cố tranh chấp khẳng định mình là đúng.

13. “Lợi nhuận cao nhất được thực hiện trong các giao dịch cho thấy lợi nhuận ngay từ khi bắt đầu”

Đây là một quy tắc rất quan trọng cần nhớ. Tất cả các giao dịch tốt nhất của chúng tôi cho thấy lợi nhuận ngay từ khi chúng tôi mua chứng khoán.

Lợi nhuận chỉ đơn giản là xác nhận ý tưởng của bạn về hành động chứng khoán và giá là hoàn toàn đúng.

Hãy trân trọng những giao dịch này và duy trì chúng đến chừng nào bạn còn có thể.

14. “Không có quy tắc giao dịch nào mang lại lợi nhuận trong 100% thời gian”

Không có bất kỳ sự bảo đảm nào trong thị trường chứng khoán. Tất cả những gì bạn cần là tìm kiếm lợi nhuận.

Chấp nhận sự thật rằng bạn sẽ không bao giờ đúng 100%. Chấp nhận rằng bạn sẽ thua lỗ vào một lúc nào đó.

Đồng thời, hãy tập trung vào lợi nhuận dài hạn của các giao dịch.

Ngay cả với tỷ lệ chiến thắng dưới 50%, bạn có thể có lãi trong dài hạn. Hầu hết điều này có liên quan đến quản lý rủi ro và tiền bạc.

15. “Chừng nào mà chứng khoán còn hoạt động đúng và thị trường đúng thì đừng kiếm lợi nhuận với tâm thế vội vàng”

Đừng cảm thấy phải hối hả kiếm lợi nhuận trên một vị trí vẫn đang đi đúng hướng.

Thật tốt khi được đảm bảo một số lợi nhuận không bao giờ biến thành thua lỗ. Do vậy, đừng bán toàn bộ vị trí khi hành động giá trên chứng khoán đó vẫn còn tràn đầy sinh lực.

16. “Không bao giờ mua chứng khoán chỉ vì nó đã giảm mạnh từ mức cao trước đó”

Có vẻ hấp dẫn khi mua cổ phiếu mà nó đã giảm rất nhiều so với mức cao trước đó.

Tuy nhiên, đối với một trader, điều này không bao giờ là một dấu hiệu tốt. Phải có một lý do tại sao thị trường đã dump cổ phiếu đó.

Và không có gì đảm bảo rằng chứng khoán đó sẽ trở lại mức cao nhất. Nó vẫn có thể xuống thấp hơn và thậm chí cuối cùng phá sản.

17. “Không bao giờ bán chứng khoán vì có vẻ như giá lên cao”

Hầu như lý do khiến mọi người bán chứng khoán vì nó có vẻ đạt giá cao. Hoặc bởi vì nó đã tăng lớn trong thời gian qua.

Cả hai đều không phải là lý do để bán chứng khoán. Lý do duy nhất để bán chứng khoán là khi bạn nhận được dấu hiệu từ thị trường là tâm lý dành cho chứng khoán đang thay đổi.

Đó có thể là giảm mức độ quan tâm về sức mua chứng khoán. Hoặc thậm chí gia tăng số lượng người bán trên thị trường.

Những thay đổi như vậy mới là lý do khiến bạn phải quyết định bán hay giữ thay vì giá cao.

18. “Yếu tố con người là kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư trung bình hoặc nhà đầu cơ”

Đây là một trong những trích dẫn của Jesse Livermore được yêu thích nhất. Bởi vì nó rất đúng và bị hầu hết các trader bỏ qua.

Các khía cạnh kỹ thuật của giao dịch không khó để tìm hiểu nhưng quá trình áp dụng các quy tắc giao dịch bắt đầu trở nên khó khăn hơn vì bạn đã để cảm xúc xen vào quyết định của mình.

Mặc dù phần khó nhất là bám sát kế hoạch và quy tắc khi mọi thứ trở nên cần thận trọng nhưng đó chính xác là thời gian mà kế hoạch và quy tắc giao dịch của bạn là quan trọng nhất.

Bạn cần học cách kiểm soát cảm xúc của mình để trở nên thành công trên thị trường chứng khoán.

19. “Loại bỏ suy nghĩ mơ mộng”

Chúng tôi đã nói rằng hy vọng không phải là một chiến lược tốt. Và mơ tưởng cũng vậy.

Trong trading, không bao giờ có chỗ cho những ý tưởng này. Làm ơn hãy bám sát các sự kiện mà nghiên cứu của bạn và thị trường cho thấy.

Hy vọng rằng mọi thứ diễn ra đúng cách sẽ không giúp bạn kiếm tiền. Mà thay vào đó, hãy coi chừng bị vỡ mộng!

20. “Các động thái lớn cần có thời gian để phát triển”

Mặc dù các giao dịch tốt nhất cho thấy lợi nhuận ngay từ đầu nhưng các động thái lớn cần có thời gian để phát triển.

Chủ yếu là vì các tổ chức giao dịch lớn trên thị trường chứng khoán không thể giữ vị trí trong vòng một ngày, hoặc thậm chí một vài ngày hoặc vài tuần.

Đôi khi phải mất vài tháng để họ có được vị trí họ muốn. Và trong tất cả thời gian đó, chứng khoán đang di chuyển theo hướng tích cực đã định sẵn.

Khi chứng khoán đang hoạt động đúng hướng, bạn phải kiên nhẫn và chờ nó phát triển cho đến khi có lý do để thoát khỏi giao dịch.

21. “Đừng quá tò mò về tất cả các lý do gây thay đổi giá”

Tìm hiểu lý do dẫn đến di chuyển giá chứng khoán là rất tốt. Nếu bạn nắm bắt được các nguyên nhân đó, bạn có thể dự đoán sự kiện trong giai đoạn đầu.

Nhưng đôi khi thật khó để tìm ra lý do gây dịch chuyển giá cả. Đối với một nhà giao dịch, điều đó vẫn ổn miễn là họ có thể thu lợi nhuận từ những di chuyển giá.

Nếu đã học được cách đọc hành động giá thì không cần phải biết tất cả lý do đằng sau các động thái giá là gì. Chỉ cần biết làm thế nào để kiếm lợi nhuận từ đó.

22. “Nhiều người cùng theo dõi sẽ tốt hơn so với ít người”

Hãy đảm bảo danh sách các chứng khoán mục tiêu luôn trong tầm kiểm soát của bạn. Khi thực hiện nghiên cứu, có thể bạn đã tìm thấy các cổ phiếu trông có vẻ thú vị và ghi chúng vào danh sách theo dõi.

Đặc biệt là vì bạn sợ phải bỏ lỡ những bước chuyển lớn. Khi danh sách theo dõi của bạn ngày càng nhiều hơn, việc theo dõi tất cả chúng trở nên khó khăn hơn.

Kết quả là không thể tạo ra một kế hoạch thương mại vững chắc cho bất kỳ loại nào trong số đó. Tốt hơn là nên bám vào một vài chứng khoán mà bạn có thể quản lý và đẩy những chứng khoán bạn không thể kiểm soát về cuối danh sách.

23. “Mô hình lặp lại bởi vì bản chất con người không thay đổi sau hàng ngàn năm”

Câu trích dẫn cuối cùng trong bộ sưu tập của chúng tôi gần tương tự như câu mở đầu.

Con người là động lực đằng sau tất cả các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Bởi vì bản chất con người không bao giờ thay đổi nên mô hình thị trường chứng khoán sẽ không bao giờ thay đổi.

Các quy tắc đã hoạt động hàng trăm năm trước vẫn hoạt động trong thị trường chứng khoán ngày nay.

8 sai lầm của Jesse Livermore

Jesse Livermore trở thành một huyền thoại Trader. Không ai phủ nhận được điều đó, nhưng ông cũng là con người và đây là 8 sai lầm chết người của Jesse Livermore để chúng ta học hỏi mà tránh đi, để ít nhất không có kết cục bi thảm như ông.

1. Để cho các lệnh lỗ chạy dài mà không cắt. Rất nhiều lần ông không cắt lỗ. “Chính xác rằng tôi đã làm 1 điều cực kỳ sai trái. Thị trường cô tông đã khiến tôi thua lỗ và tôi tiếp tục giữ các lệnh lỗ đó. Lúa mì cho tôi thấy lợi nhuận và tôi bán ngay lập tức. Đây là 1 trong các sai lầm trading điển hình của tôi. Hãy cố gắng bán ra những thứ bạn thấy lỗ, và giữ những thứ cho bạn lợi nhuận.” – Jesse Livermore

2. Giao dịch quá nhiều. “Thứ đã đánh gục tôi không phải là không đủ can đảm để tiếp tục cuộc chơi – mà là tham gia vào thị trường quá nhiều khi tôi cảm thấy rằng các lệnh trước đó chưa đủ thoả mãn.” – Jesse Livermore

3. Nghe theo các lời khuyên: “Dần dần tôi bắt đầu chấp nhận và tin vào các thông tin và con số của anh ta (Thomas – người chỉ điểm và cho Livermore các tin tức cơ bản để giao dịch), tôi sợ rằng tôi đang đi ngược lại với các tín hiệu trong hệ thống của tôi. Và một khi tôi phải thoát lệnh bởi vì Thomas khiến tôi nghĩ rằng tôi đã sai, thị trường lại đi đúng theo dự đoán của tôi. Đó đơn giản là cách tâm trí tôi hoạt động.” “Tôi đã tiêu tốn hàng triệu đô để học được rằng kẻ thù nguy hiểm của trader là sự yếu đuối của lập trường khi phải tiếp xúc với những người giỏi hơn mình về chuyên môn. Đừng bao giờ tin ai ngoại trừ bản thân bạn” – Jesse Livermore

4. Rủi ro phá sản: từ số lượng các lần Livermore cháy tài khoản và phá sản trong đời, có vẻ rằng ông chưa hiểu được rủi ro phá sản về mặt toán học dựa trên tỷ lệ thắng và sụt giảm tài khoản trên mỗi trade. Cộng thêm việc Livermore không có khoản tiền tiết kiệm phòng thân nào, tất cả đều bỏ vào giao dịch và mua sắm, tiêu pha, nên rất nhiều lần ông phải mượn tiền bạn bè khi phát sản để làm lại từ đầu.

5. Khối lượng lệnh không hợp lý: cách giao dịch của Livermore là theo kiểu “mồi nhử”: ông sẽ vào 1 vài lệnh nhỏ để nhử xem thị trường phản ứng ra sao. Nếu giá đi đúng hướng, ông sẽ nhồi thêm bằng các lệnh rất lớn, mỗi lần vào có thể nói là vào full tài khoản (all in). Nên nếu thắng sẽ ăn rất đậm, thua sẽ thua rất nặng. Cháy tài khoản là không thể tránh khỏi.

6. Kỷ luật chưa vững: Tất cả các tài liệu và sách đều viết rằng Jesse Livermore có vấn đề trong việc tuân thủ các kỷ luật do chính ông đặt ra. Khi đang ngồi tán gẫu với Bradley, chủ casino The Breakers tại Palm Beach, 1 trong những người bạn thân của Livermore, ông đã nói rằng: “Tôi rất thường xuyên phá vỡ các kỷ luật của mình. Nhưng trong cú sụp đổ vừa rồi (1929), tôi đã tuân thủ kỷ luật và đã làm tốt.”

7. Lối sống buông thả: Livermore xài tiền rất phung phí vào các lâu đài, nhà cửa, chuyến du lịch sang chảnh, trang sức cho người vợ Dorothy (trước đó là Nettie), mua sắm tất cả những gì tiền có thể mua được. Trong khi tiền phòng thân và tiết kiệm thì không có.

8. Rủi ro về tâm lý: Livermore bị stress và trầm cảm nặng, phần lớn từ lối sống buông thả với nhiều phụ nữ khiến gia đình tan vỡ. Quan trọng hơn là ông vẫn giao dịch trong khi bị trầm cảm, từ đó thua lỗ nặng nề. Trầm cảm nặng đã khiến Livermore phải tự sát.

Bài viết gốc: https://www.newtraderu.com/2015/03/04/14185/

 
Danh mục: CÂU CHUYỆN ĐẦU TƯ , KIẾN THỨC ĐẦU TƯ , Quản trị rủi ro
Chia sẻ:

Xin chào, tôi là Phạm Duy, Founder của Uptrend.vn. Tôi chia sẻ về kiến thức chứng khoán và đầu tư.

App Uptrend
live-chat live-chat live-chat