Nghề môi giới chứng khoán và những trải nghiệm từ 2014
Sự chuyên sâu
Cứ mỗi cú chỉnh, đợt giảm vài chục điểm nào cũng có người lôi môi giới (broker) ra chữi. Những chiến hữu, thằng em, nhỏ em mới ngày nào nó tư vấn mình ăn vài chục %, cảm ơn ríu rít cùng tiền cà phê thì nay chỉ còn sự thất vọng, chán trường, và những lời an ủi.
Cũng đúng thôi, vì đồng tiền đi liền khúc ruột, ai cũng sót vì mình đem hết tài sản để thằng ku em môi giới KIẾN TẠO TƯƠNG LAI cho mình mà, giờ nó đánh mất rồi còn gì!
Mình tham gia thị trường vào năm 2014, và 2017 đi làm môi giới, sau con sóng 2018 thì nghĩ. Và 2021 trở lại với nghề môi giới là tay trái, part time thôi. Cứ mỗi đợt sóng lớn thì sẽ có 1 lớp nhà đầu tư, và kể cả môi giới tham gia vào thị trường kiếm tiền. Tính từ 2006 đến nay thì có 3 con sóng lớn là 2007, 2018 và 2022. Tạm gọi những người tham gia trước sóng 2007 là môi giới F1, trước 2018 là môi giới F2, và trước 2022 là môi giới F3.
Cái nghề môi giới ck và các nghề mg khác đều có điểm chung là thị trường tăng gần đỉnh thì ai cũng làm môi giới được. Bên đất thì bà bán trà đá, ông xe ôm cũng đi làm cò, khủng hoảng bds thì quay lại bán trà đá, chạy xe ôm tiếp. Bên chứng khoán cũng vậy, cu cậu mới ra trường, mặt non choẹt, hay anh nhà đầu tư nào đó mới tham gia vài ba tháng, siêng học được vài đường phân tích thế là lao vào làm môi giới kiếm tiền. Cũng không trách được vì ai cũng muốn kiếm tiền để mưu sinh mà!
Trong kinh doanh, ở thời kì hưng thịnh, cầu rất lớn, nhưng để cung được thì buộc phải tăng đội ngũ bán hàng, càng nhiều càng tốt. Và trong ngành dịch vụ thì đó là môi giới, hay sang hơn thì gọi là tư vấn viên, chuyên viên tư vấn, chuyên gia tư vấn…v…v.. Nói chung là bán sản phẩm và dịch vụ càng nhiều thì lương càng cao. Vì vậy sau mỗi con sóng đi qua, các ông chủ sàn lại học được bài học kinh nghiệm, sáng tạo ra nhiều phương thức hơn để gia tăng đội ngũ bán hàng. Chọn LƯỢNG thì chấp nhận mất CHẤT, cũng không vấn đề gì cả, bởi cái nghề môi giới thì hiệu quả gắn liền với thương hiệu cá nhân chứ ko phải gắn với công ty.
Cái thời môi giới F2, từ 2012 đến 2016 thị trường ảm đạm, nên nhu cầu về môi giới ít, công ty cũng chẳng mặn mà tuyển môi giới làm gì, chỉ tổ tốn thêm chi phí, vì vậy muốn làm cái nghề này thời điểm đó muốn tồn tại buộc phải có kiến thức, kinh nghiệm, và tạo ra hiệu quả thật sự. Giai đoạn đó hầu như ko có sóng lớn, đa số đầu tư theo kiểu kiếm hàng dưới giá trị, mua và ôm cây đợi thỏ, mà muốn tìm được phải nghiên cứu, phân tích rất nhiều để có một vài mã sống qua ngày.
Sau hàng loạt gói kích thích kinh tế, lãi suất thấp, tiền rẻ bơm ra ào ạt thì 2017 2018 thị trường nổi sóng. Thanh khoản tăng khủng khiếp, ngày xưa mỗi phiên 2000 tỉ đã là kỉ lục, còn bây giờ (2017) lên 4000 5000 tỉ thì quá khủng khiếp, thời tới cứ mua là thắng. Người người, nhà nhà đem tiền đi đầu tư thì vài tháng trở thành đại gia. Còn ai đi tư vấn thì vài tháng cũng trở thành chuyên gia, thánh chứng….. Giai đoạn này chuyện đi làm môi giới cũng dễ hơn nhiều, là sinh viên kinh tế, hay nhà đầu tư lâu năm tí, có mối quan hệ là đi làm môi giới được, mặc dù sở yêu cầu chứng chỉnh nhưng….cũng không cần lắm! Chất lượng tư vấn giai đoạn 2017 2018 giảm đi rất nhiều so với 2012 2016. Nếu lúc trước hơn nhau ở chổ phân tích, định giá thì bây giờ hơn nhau ở chổ máu LIỀU, ông nào đâm đầu vào penny mốc cống, đi theo a Quyết thì ăn lồi mồm.
Đỉnh sóng ai cũng chạy theo lợi nhuận, bõ qua những nguyên tắc đầu tư, cuối cùng phải trả giá đắt, thị trường sập, vàng thì mất 50%, cám thì mất sạch, còn ông nào vay nợ thì dù vàng hay cám đều mất sạch, bế tắc!
Con sóng 2021 cũng không khác nhiều so với những con sóng khác, nước nổi thuyền lên, cá tôm nhiều, lượng môi giới tăng theo cấp số nhân. Và mấy ông chủ sàn hạ thấp hơn nữa hàng rào gia nhập nghề môi giới, ai cũng được! thậm chí có cả copy trade, giao dịch càng nhiều máu liều càng cao thì chủ sàn càng giàu.
Vậy chất lượng môi giới giảm có phải hoàn toàn do lỗi của chủ sàn, hay môi giới không? Câu trả lời là KHÔNG! Chất lượng môi giới giảm không thể không kể đến TRÁCH NHIỆM của nhà đầu tư!
CHẤT LƯỢNG NHÀ ĐẦU Ư CŨNG SUY GIẢM
Chính xác là vậy, nếu cũng dựa vào cách phân loại môi giới theo từng con sóng thì nhà đầu tư cũng vậy. Từ 2006 đến nay chứng khoán càng ngày càng phổ thông, độ tuổi tham gia chứng khoán cũng trẻ dần đi. Mình tham gia 2014, đa phần nhà đầu tư giai đoạn đó là những người 6x 7x, đầu có sạn, tuổi đời, kinh nghiệm thương trường đều có, vì vậy họ đòi hỏi CHẤT từ môi giới, và ở cái độ tuổi đó họ cũng ít mạo hiểm hơn. Nhưng ở con sóng này thì rất khác. Thế hệ 8x 9x tham gia vào thị trường chịu chơi hơn, fomo hơn ÔNG BÀ GIÀ XƯA rất nhiều. Cổ phiếu TỐT là cổ phiếu TÍM, hay mèo trắng mèo đen cũng được, bắt chuột được là được.
Có cung thì ắt có cầu, có đòi hỏi thì có đáp ứng. Để hấp dẫn được là đầu tư thuộc thế hệ F3 (tham gia từ 2021) thì buộc phải chọn cổ phiếu rủi ro cao, kéo điên loạn để thu hút khách hàng. Mà anh em biết rồi đó, chọn cổ phiếu tăng nhanh, tăng mạnh cũng giống như lên chiếc xe mà chạy với tốc độ 120km/h vậy. Mặc dù đến đích nhanh hơn, nhưng khi ngã là bõ mạng, cổ phiếu thì trắng bên mua, hủy niêm yết. Hết cổ này đến cổ khác, đi đêm có ngày gặp ma, rồi cũng tới lúc bị úp bô vào một ngày giông bão, thế là hết, chết trước khi đến đích rồi.
Khi thị trường sập, khách hàng cháy tài khoản, môi giới đói, phải làm sao? Photoshop, mượn tài khoản, abc xyz bằng mọi cách show lãi để tiếp tục dẫn dụ những anh em mê làm giàu nhanh.
Thời thế thay đổi nên ta đổi thay, mặc dù sự thật khắc nghiệt vậy nhưng anh em nhà đầu tư có chữi hay đánh đập môi giới thì cũng chẳng thể thay đổi được gì. Thay vào đó là anh em phải tự trang bị kiến thức căn bản cho mình, để khi môi giới nói còn biết cái nào thật cái nào xạo mà, né. Nên nhớ chọn môi giới là chọn mặt gửi vàng, phải học kỹ năng chọn mặt, không thì thôi nên cất két sắt cho an toàn.
Nguyên tắc lợi nhuận cao rủi ro cao luôn đúng tại bất kì thời điểm nào, do đó nếu anh em muốn người môi giới mang lại mức lợi nhuận cao cũng giống như muốn tài xế của mình chạy hết ga hết số thì người thiệt lớn nhất lại chính là anh em nhà đầu tư!
Và ai cũng có năng lực, chuyên môn riêng của mình, có thể môi giới này chuyên đầu tư bds, hay bán lẻ hoặc thêm 1 2 ngành nào đó. Nếu anh em đòi hỏi người đồng hành của mình đánh cả index, phải phân tích trăm mã thì chắc chắn không thể đòi hỏi phân tích sâu được. Tốt lắm là bật cái chart lên xem hỗ trợ, kháng cự là quất thôi. Vậy thì làm sao mà sống sót nổi trong thị trường tài chính này?
Và đặc biệt, anh em nghĩ giao dịch T0 có thật sự giàu có không?, nếu có thì AI GIÀU?
Thôi đôi lời chia sẽ với cả anh em nhà đầu tư và môi giới, thấu hiểu cho nhau để cùng nhau kiếm tiền!
P/S: Đây là một bài viết trên facebook và Duy cũng không nhớ tác giả để viết vào bài viết. Tuy nhiên, thời điểm và trải nghiệm tham gia thị trường của tác giả gần như đúng 100% với Duy. Duy cũng tham gia thị trường từ 2014 và làm tư vấn đầu tư từ 2017, trải qua nhiều thăng trầm biến cố và D thấy những chia sẻ trên đều rất đúng. Vì vậy, Duy chia sẻ tới mọi người.
Chúc mọi người đầu tư thành công.!