Những sai lầm thường gặp khi đầu tư chứng khoán

Đăng lúc 11 10, 2023

William O’neil, một trong những nhà đầu tư huyền thoại, được biết đến nhiều nhất với phương pháp đầu tư CANSLIM, trong cuốn Làm giàu qua chứng khoán của mình, ông đã chỉ ra 19 sai lầm mà đa số các nhà đầu tư thường mắc phải.19 sai lầm dưới đây có thể bạn đã nghe đi nghe lại trên thị trường, những sai lầm tưởng rằng như đã cũ nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn dẫm vào vết xe đổ của những người đi trước. Kinh nghiệm về những sai lầm ấy được đúc rút ra bằng tiền bạc, mồ hôi và nước mắt của rất nhiều người từng trải, vậy nên hãy cương quyết với bản thân nhất định không được phạm những sai lầm sau đây trong suốt quá trình đầu tư.

1. Cương quyết giữ lại các cổ phiếu chịu lỗ dù số lượng là rất nhỏ (Nên bán ngay cổ phiếu chịu lỗ khi cổ phiếu giảm từ 7% đến 8% từ điểm mua).

Nhiều nhà đầu tư không có quy tắc quản trị rủi ro, khi mua cổ phiếu thấy giá cứ giảm trong khi mình dự đoán tăng mà không chịu cắt lỗ, vẫn giữ khư khư với hy vọng giá tăng trở lại mức hòa vốn để bán ra, nhưng khi thị trường đang trong giai đoạn Downtrend, đó là chuyện không tưởng. Trong xu hướng giá giảm, cổ phiếu có nhịp hồi nhưng không bao giờ hồi về mức mà bạn chót đu đỉnh, bởi vậy phải có nguyên tắc cắt lỗ khi cổ phiếu đi sai nhận định.

“Bạn phải cắt giảm tối đa mọi khoản thua lỗ, không có ngoại lệ. Quy luật là luôn luôn tống khứ mọi khoản thua lỗ khi cổ phiếu nào đó rớt giá 7% hoặc 8% so với giá mua. Việc tuân thủ theo quy luật đơn giản này sẽ đảm bảo nhà đầu tư có thể tiếp tục tham gia đầu tư vào ngày hôm sau và trong tương lai.”

2. Mua cổ phiếu đang giảm giá (Tuyệt đối không bắt dao rơi).

Một cổ phiếu đang xuống giá không đồng nghĩa với việc đó là một “món hời” thật sự. Việc đầu tư vào một mã cổ phiếu giảm giá rất mạnh có thể khiến nhà đầu tư mắc sai lầm kinh điển của các “tay mơ” – mua cổ phiếu khi nó gần chạm đáy.

Chắc chắn không ít trong số các bạn ngồi đây thấy cổ phiếu giảm mạnh so với đỉnh tạo ra và ngay lập tức nhảy vào bắt đáy. Một tư duy hết sức sai lầm, bởi khi cổ phiếu đang rơi rồi, bạn sẽ không biết nó rơi đến đâu, ta chỉ biết đâu là đáy khi nó đã hình thành vậy nên đừng dại, nếu không thứ bạn nhận lại chỉ toàn bi thương.

3. Mua bình quân giá xuống cổ phiếu

Nếu bạn mua một cổ phiếu tại mức giá 40 USD rồi sau đó mua thêm khi nó rơi xuống giá 30 USD để cân đối mức lỗ thì bạn đang theo chân những kẻ thất bại. Chiến lược nghiệp dư này có thể gây ra sự thua lỗ trầm trọng và kéo danh mục đầu tư của bạn xuống vực sâu.

Bình quân giá xuống là tức là giá càng giảm lại càng mua vào để khi tính bình quân ra, mức giá mua cổ phiếu sẽ thấp hơn, nghe có vẻ khá hợp lý, như giảm bớt được thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư mới, học được đâu đó về chiến lược này và đem ra áp dụng khi nhận định sai, do không hiểu bản chất và hoàn cảnh áp dụng nên hầu hết đều đi đến kết cục thua lỗ. Đừng bao giờ mua bình quân giá xuống vì khi cổ phiếu bạn mua giảm giá tức là dự đoán của bạn là sai, mà đã sai thì nhanh tróng cắt lỗ, tuyết đối không bao giờ bình quân giá xuống.

4. Mua một số lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì mua cổ phiếu giá cao với số lượng ít hơn.

Người mới thường quan tâm đến cổ phiếu thị giá thấp hơn cổ phiếu thị giá cao vì với cùng một số tiền, lượng cổ phiếu giá thấp mua được sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên cần lưu ý, đi kèm vơi giá cổ phiếu là chất lượng cổ phiếu. Cổ phiếu thị giá thấp thì chất lượng cũng thấp, cổ phiếu thị giá cao thì chất lượng cũng cao, bởi để có một mức giá hợp lý, cổ phiếu đã phải trải qua một thời gian được thị trường nhận định. Cho nên hãy suy nghĩ theo số tiền mà bạn đầu tư thay vì số cổ phần bạn có thể mua, quan tâm đến cổ phiếu chất lượng tốt thay vì phí thời gian, tiền của cho những cổ phiếu chất lượng kém.

Để loại bỏ được sai lầm này, bạn cần học phân tích cơ bản, để có khả năng đánh giá được 1 công ty tốt, tiềm năng và chất lượng của một công ty, khi đó bạn sẽ có những tiêu chí phù hợp để lựa chọn.

5. Mong muốn kiếm được tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Mong muốn quá nhiều, quá nhanh mà thiếu sự chuẩn bị thiết yếu, nghiên cứu những phương pháp hợp lý nhất, hoặc thu thập những kỹ năng và kỷ luật nền tảng – có thể khiến bạn lỗ nặng. Nhiều khả năng bạn sẽ lao vào một cổ phiếu nào đó quá vội vàng và sau đó lại quá chậm trong việc cắt giảm thua lỗ khi bạn phạm sai lầm. Không có gì là dễ dàng trong thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng.

6. Mua cổ phiếu dựa vào những gợi ý, những tin đồn những tuyên bố gây chia rẽ và các sự kiện tin tức.

Nhiều người quá dễ dàng mạo hiểm tiền mồ hôi nước mắt của mình theo lời người khác, thay vì bỏ thời gian để học tập, nghiên cứu và biết chắc việc họ đang làm. Kết quả là, những lời khuyên mà bạn nghe được đơn giản lại không phải là sự thật. Ngay cả nếu chúng là sự thật chăng nữa, trong đa số trường hợp, cổ phiếu liên quan sẽ giảm giá chứ không lên giá.

7. Lựa chọn các cổ phiếu hạng nhì vì các tỷ lệ lợi tức hoặc giá/Doanh thu P/e thấp.

Cổ tức và P/E không quan trọng bằng tỉ lệ tăng trưởng EPS. Trong nhiều trường hợp, một công ty càng trả cổ tức cao bao nhiêu thì càng yếu bấy nhiêu. Có thể công ty đó phải vay nợ lãi suất cao để đổ đầy các quỹ chi trả dưới hình thức cổ tức. Những công ty đang hoạt động tốt thường sẽ không chi trả cổ tức. Thay vào đó, họ sẽ đầu tư nguồn vốn của mình vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc những hoạt động cải tiến khác. Ngoài ra, nên nhớ rằng bạn có thể mất số tiền bằng một kỳ cổ tức chỉ trong vòng 1 hoặc 2 ngày dao động của giá cổ phiếu. Còn về P/E, một tỉ số P/E thấp có thể là vì thành tích của công ty đó trong quá khứ quá kém cỏi. Đa số cổ phiếu đều được bán đúng với giá trị thật của chúng tại thời điểm đó.

8. Không bao giờ ra khỏi cửa vì các tiêu chuẩn nghèo nàn và không biết chính xác cần tìm kiếm cái gì ở một công ty thành công.

Nhiều người mua những cổ phiếu hạng 4, “hoàn toàn không có gì đáng chú ý”, đang vận động không tốt, có mức tăng trưởng lợi tức, doanh thu và lợi suất trên vốn cổ phần đáng đặt dấu hỏi và không phải là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thật sự. Nhiều người khác thì quá tập trung vào các cổ phiếu công nghệ cao nặng tính đầu cơ hoặc có chất lượng thấp và nhiều rủi ro.

9. Mua cổ phiếu của công ty cũ mà bạn đã quá quen.

Phần nhiều những mục tiêu đầu tư tốt nhất sẽ là những cái tên mới lạ mà bạn chưa từng biết.Với một số cuộc nghiên cứu nho nhỏ, bạn có thể phát hiện và kiếm lời từ chúng trước khi chúng trở thành những tên tuổi lớn.

Đây là tâm lý khi yêu mến một công ty, bạn lúc nào cũng muốn giao dịch với nó, mà không hiểu về các chu kì tăng trưởng. Một công ty theo quy luật của thị trường sẽ có chu kỳ bắt đầu, chu kì tăng trưởng chu kì đạt đỉnh và chu kì suy thoái, có thể giai đoạn này là công ty tốt nhưng giai đoạn sau lại trở thành công ty xấu vì tốc độ tăng trưởng giảm, tình hình hoạt động của công ty kém đi.

10. Không thể nhận ra (và tuân theo) các thông tin và lời khuyên hữu ích.

Bạn bè, người quen, các nhà môi giới chứng khoán và các dịch vụ cố vấn đều có thể là nguồn cung cấp những lời khuyên sai lầm. Chỉ có một thiểu số nhỏ đã tự mình đạt được thành công đáng kể đủ để bạn cân nhắc tới. Số lượng nhà môi giới chứng khoán hoặc các dịch vụ cố vấn ngoại hạng cũng không nhiều hơn so với những nghề như bác sĩ, luật sư hoặc cầu thủ bóng chày. Chỉ có 1/9 số cầu thủ bóng chày đã đặt bút ký hợp đồng thi đấu chuyến nghiệp leo lên được tới hạng ngôi sao. Đa số các cầu thủ tốt nghiệp đại học thậm chí không được thi đấu chuyên nghiệp.

11. Không sử dụng biểu đồ và lo sợ mua các cổ phiếu đang tăng lên mức cao mới.

Hơn 98% số nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng một cổ phiếu đang leo lên đỉnh giá mới có vẻ là quá cao, nhưng các quan điểm vào cảm giác cá nhân kém chính xác hơn nhiều so với bản thân thị trường.

Thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu trong một giai đoạn tăng trưởng của thị trường là khi cổ phiếu đó bắt đầu đột phá lên từ một nền tảng vững chắc kéo dài ít nhất từ 7 hoặc 8 tuần.

Để hiểu cũng như áp dụng được điều này, bạn cần trải nghiệm và học hỏi thêm về phân tích kỹ thuật mới xác định được khi nào cổ phiếu đang trong chu kì tăng giá, khi nào sự điều chỉnh là tự nhiên, là tất yếu, khi nào là sự điều chỉnh bất bình thường. Xong mới có thể quyết định đặt mua, tránh trường hợp đu đỉnh vì thiếu kiến thức.

12. Vội vàng bán đi cổ phiếu nhỏ, dễ mua, đang sinh lợi trong khi giữ lại những cổ phiếu thua lỗ

Nói cách khác là làm ngược lại hoàn toàn so với điều mà bạn phải làm: tống khứ những cổ phiếu thua lỗ và cho những cổ phiếu sinh lợi thêm thời gian.

Khi cổ phiếu đang tăng, mới chỉ quay đầu điều chỉnh nhẹ thì sự sợ hãi trong bạn trỗi dậy, vì bạn sợ mất đi phần lãi mình đang có, ngay lập tức, bạn chọn phương án an toàn là bán ra, nhưng khi bán xong cổ phiếu tiếp tục tăng lúc đó bạn mới biết hối tiếc. Còn việc giữ lại các cổ phiếu đang giảm chính là việc thiếu quy tắc quản trị rủi ro nhắc tới ở sai lầm 1.

13. Lo lắng quá nhiều về thuế và hoa hồng.

Tôn chỉ của trò chơi là trước tiền phải tạo ra lợi nhuận ròng đã. Sự lo lắng quá mức về các khoản thuế thường dẫn tới những quyết định đầu tư không hợp lý với hy vọng “tránh” được thuế.

Bạn cũng có thể phung phí một khoản lợi tức tốt khi giữ cổ phiếu lại quá lâu, cố tìm lợi nhuận đầu tư dài hạn. Một số nhà đầu tư tự thuyết phục mình rằng họ không thể bán cổ phiếu ra vì sẽ bị đánh thuế, nhưng đó là một phán xét dựa trên cái tôi vị kỷ.

Những khoản hoa hồng kèm theo việc mua hay bán cổ phiếu, đặc biệt là thông qua nhà môi giới trực tuyến, là rất nhỏ so với số tiền mà bạn có thể kiếm được nếu đưa ra những quyết định đầu tư và hành động ngay khi cần thiết.

Thực tế là bạn chỉ phải trả môt khoản hoa hồng tương đối thấp và có thể rút ra khỏi đối tượng đầu tư của mình nhanh hơn nhiều là hai trong số những thuận lợi lớn nhất của việc sở hữu cổ phiếu so với tài sản thật. Với lưu lượng tiền mặt thường trực, bạn có thể tự bảo vệ bản thân một cách nhanh chóng với mức tổn thất thấp, tận dụng những xu hướng mới có thể mang lại lợi nhuận khi chúng mở ra.

Khi đầu tư, chúng ta nên chú trọng vào việc làm sao để có lãi và nếu có thua lỗ thì hạn chế nhất, cái quan trọng là kết quả cuối cùng mình lãi đc bao nhiêu, còn chuyện thuế và phí giao dịch cũng là một vấn đề nhưng chỉ là thứ yếu, không phải mối quan tâm hàng đầu.

14. Không có nguyên tắc và kế hoạch mua bán cổ phiếu.

Hầu hết các nhà đầu tư không có quy luật hoặc kế hoạch nào cho việc bán cổ phiếu ra, họ mới chỉ thực hiện phân nửa công việc cần làm để có thể thành công.

Nguyên tắc là những tiêu chí các bạn đưa ra để tuân theo, các tiêu chí được xây dựng bởi quá trình học tập và rèn luyện, kế hoạch cũng thế. Những nguyên tắc và kế hoạch này phải trải qua quá trình đầu tư mới thấm được, người mới hay thậm chí những Trader lâu năm cũng thường không bao giờ có nguyên tắc trong đầu tư. Và việc tự xây dựng được nguyên tắc, kế hoạch cho mình đều phải trải qua nghiên cứu và học hỏi mới có được.

15. Không hiểu được tầm quan trọng của việc mua các cổ phiếu chất lượng cao với sự tài trợ của các tổ chức quỹ và tầm quan trọng về biết cách sử dụng biểu đồ.

Cần hiểu biết hơn về tầm quan trọng của việc mua cổ phiếu của các công ty chất lượng cao, có sự bảo trợ của các tổ chức mạnh và học cách sử dụng biểu đồ để cải thiện khả năng lựa chọn, nắm bắt thời cơ. Khi có sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn lớn để đầu tư kinh doanh tăng trưởng ổn định và lâu dài.

16. Tập trung quá nhiều vào các hợp đồng quyền chọn và tương lai bởi vì họ nghĩ đó là cách làm giàu nhanh .

Một số nhà đầu tư còn tập trung chủ yếu vào các quyền giao dịch ngắn hạn, giá vốn thấp có tính chất bất ổn và độ rủi ro rất cao. Thời hạn giao dịch luôn luôn chống lại những người sở hữu quyền giao dịch ngắn hạn.

Một số còn tập trung vào “quyền giao dịch khống” (bán những quyền giao dịch chứng khoán mà họ thậm chí không sở hữu), phải chấp nhận một rủi ro rất lớn để đổi lấy phần thưởng tiềm năng nhỏ bé.

17. Ít giao dịch tại giá thị trường và thích sử dụng lệnh giới hạn mua và bán

Khi làm như trên, nhà đầu tư chỉ chăm chú vào từng phần thay vì tập trung vào những vận động lớn và quan trọng hơn của cổ phiếu. Với các lệnh giới hạn, bạn phải chịu rủi ro là có thể hoàn toàn không theo kịp thị trường và không thể rút ra khỏi các cổ phiếu cần phải bán để cắt giảm thiệt hại.

18. Thiếu quyết đoán.

Nhiều người không biết là họ nên mua, bán, hay giữ và sự không chắc chắn này cho thấy họ không có sự định hướng rõ ràng. Đa số mọi người không tuân theo một kế hoạch đã được chứng minh, một tập hợp những nguyên tắc nghiêm ngặt hay những quy luật mua và bán để dẫn dắt họ đi đúng hướng.

Vẫn là câu chuyện về kế hoạch và kỷ luật bản thân, khi không có nguyên tắc và kỷ luật, nhà đầu tư trở nên do dự, thiếu quyết đoán. Còn khi đã có nguyên tắc và kế hoạch, cứ vi phạm là ta hành động, không bị cảm xúc chi phối khi ra quyết định.

19. Thiếu khách quan.

Nhiều người chỉ lựa chọn những công ty mà họ yêu thích. Tuy nhiên, thay vì dựa vào niềm hy vọng và những quan điểm cá nhân của riêng mình, các nhà đầu tư thành công chỉ chú ý đến thị trường vì thị trường gần như luôn đúng.

Trên đây là 19 sai lầm cần tránh trong đầu tư chứng khoán mà bạn cần lưu ý, thực tế những sai lầm của nhà đầu tư vượt quá con số 19 rất nhiều, nhưng để rút ra bài học, bạn cần tham gia thị trường một thời gian đủ lâu. Cuối cùng, chúc bạn luôn minh mẫn trong mọi quyết định đầu tư của mình.

Nguồn: Sưu tầm

Danh mục: Quản trị rủi ro
Chia sẻ:

Xin chào, tôi là Phạm Duy, Founder của Uptrend.vn. Tôi chia sẻ về kiến thức chứng khoán và đầu tư.

App Uptrend
live-chat live-chat live-chat