Sự cần thiết của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đăng lúc 30 06, 2019


Nếu ai đã từng thử một lần cảm giác đỏ đen, thì đều hiểu cảm giác khi nghe những từ “All in” hay “Bạch thủ”. “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”, rất ngắn gọn để miêu tả cảm giác này, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ sau một lá bài, hay chỉ sau 6h30. Các “con bạc” này đều gặp phải một lỗi tâm lý quan trọng, là quá đề cao cảm xúc mà bỏ qua mất nguyên lý cơ bản – “cờ bạc ăn nhau về sáng”, hoặc thật sự các con bạc này muốn bỏ về sớm!
Trong đầu tư, tôi chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư “bạch thủ” vào một cổ phiếu, và kết quả là gì? Có người được, có người mất sau ván bài “bạch thủ”, nhưng xét thời gian dài, “về sáng” thì người thắng lại thưa hẳn đi. Khác với cờ bạc, đầu tư là nơi kiếm tiền, hoặc cất giữ tài sản, đồng tiền là phải liền khúc ruột, mất tiền khi “về sáng” là điều chúng ta không muốn chút nào, chả khác nào thất bại. Vậy giải pháp để thành công trong đầu tư, tồn tại đến sáng là gì? Tôi xin phép đề xuất, là “Đa dạng hóa danh mục”.
**********
ĐA DẠNG HÓA DANH MỤC – TẠI SAO

**********
Tôi xin phép đi thẳng vào những vấn đề chính của “Bạch thủ” và đưa ra lý do tại sao cần Đa dạng hóa danh mục. Ở đây là xoay quanh sự đánh đổi “Lợi nhuận” và “Rủi ro”.
———-
1. Chúng ta không biết trước tương lai
Đây là một mệnh đề gây ra khá nhiều tranh cãi, nhưng hãy thật sự nhìn thẳng vào vấn đề, chúng ta, hay kể cả những chuyên gia tài chính, đều chỉ có thể “dự báo” tương lai, một thứ dự báo rất mông lung và nếu tính xác suất, thì độ chính xác dưới 50%.
———-
2. Giảm nguy cơ “lỡ tàu”
Một quan điểm thường được đưa ra khi chỉ đầu tư một cổ phiếu, là “chọn cổ phiếu (tăng giá) tốt nhất, hoặc cổ phiếu an toàn nhất (ít nguy cơ giảm giá nhất) để mua”. Lý do này, thoạt nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng không, quay lại mệnh đề phía trên, chúng ta không biết trước tương lai, vậy tại sao chúng ta biết “cổ phiếu tốt nhất”, hay “cổ phiếu ít nguy cơ giảm giá nhất” để mua?
Chính vì chúng ta không biết trước tương lai, nên chúng ta gần như không biết cổ phiếu nào tăng trước, cổ phiếu nào giảm trước, cổ nào tăng nhiều hơn cổ nào trong cùng một khoảng thời gian. Cách tốt nhất, đó là hãy mua những cổ phiếu có chung câu chuyện, và để Mr. Market làm việc. Hãy nhìn lại sóng KCN, thực ra đầu tư mã nào cũng có lãi, nhưng nếu ai, vì câu chuyện gì đi chăng nữa, chỉ trung thành với KBC, hay trung thành với PHR, thì sẽ bỏ qua những sóng của NTC và LHG. Có mã chạy trước, có mã chạy sau, nếu phân bổ đều vào các mã, thì xác suất “lỡ tàu” giảm đi, và lợi nhuận của chúng ta ổn định hơn.
———-
3. Giảm nguy cơ “mất hàng”
Gục ngã trước cổng thiên đường là điều không ai muốn, nhất là trong đầu tư, khi run tay lỡ bán mất “hàng” trong phiên hoảng loạn của thị trường, để rồi ân hận khi cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ và vượt qua cả giá bán của mình.
Đa số NĐT, đứng trước nguy cơ giảm giá của cổ phiếu trong ngắn hạn, đều lựa chọn giải pháp bán trước rồi cover sau ở giá thấp, nếu cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Giải pháp này chứa đựng rủi ro “mất hàng” rất cao, khi đánh giá sai về xu hướng ngắn hạn, khiến NĐT bán đúng đáy ngắn hạn, mất cơ hội mua lại cổ phiếu ở giá thấp. Thực sự đây là một lỗi tâm lý, khi coi thường mục tiêu dài hạn và đề cao mục tiêu ngắn hạn. Lỗi tâm lý này có thể vượt qua bằng việc nắm giữ những cổ phiếu có xu hướng vận động trái chiều, ví dụ như nhóm vận tải và nhóm dầu khí. Trong tình huống giá dầu tăng bất ngờ, tổng NAV của NĐT cũng không bị ảnh hưởng quá xấu, do việc giảm giá của nhóm vận tải đã được bù lại bằng tăng trưởng của nhóm dầu khí, NĐT không bị áp lực bán sớm, giảm xác suất “mất hàng”.

4. Phạm Duy –  Bạch thủ – ALL IN chưa chắc đã kiếm được nhiều như người ta tưởng : cả danh mục biến động cùng với cổ phiếu đó, mỗi ngày biến động vài % tài khoản có thể vượt quá mức chịu đựng của cá nhân nắm giữ. Chính điều này có thể khiến nắm giữ nhiều nhưng chưa chắc đã ăn được nhiều . Rung lắc tý là phải buông tay trước ngưỡng cửa thiên đường, hoặc là sung sướng quá mà bán mất hàng khi cổ phiếu mới chỉ chạy được chục %.
**********
ĐA DẠNG HÓA DANH MỤC – NHỮNG SAI LẦM CƠ BẢN

**********
Đa dạng hóa danh mục, nghe có vẻ dễ, bất kỳ ai ăn học một chút đều có thể làm được, nhưng thực tế thì đây là một chủ đề phức tạp, cần phân tích chuyên sâu. Chính vì những hiểu lầm và chủ quan về đa dạng hóa danh mục, mà trên thị trường tồn tại những lỗi sai rất cơ bản về đa dạng hoá.
———-
1. Quá nhiều cổ phiếu trong danh mục

Đây là sai lầm cơ bản nhất, thường xuất hiện ở những bạn trẻ được đào tạo đầu tư bài bản, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Tôi thường hay gọi các bạn này là “fund cá nhân”, do danh mục đầu tư lúc nào cũng hơn 15-20 mã. Một câu hỏi thực tế trong đầu tư, là năng lực của bạn có đủ để phân tích và quản lý 15-20 mã không? Với nhà đầu tư cá nhân, thì hiển nhiên là không, và việc bạn đang làm là quá năng lực của mình, dẫn tới hậu quả nặng nề: lợi nhuận bị phân tán, rủi ro cũng chả quản trị nổi, vì số lượng cổ phiếu quá nhiều, năng lực quyết định thì chưa vững, dẫn tới mất khả năng hành động khi xảy ra sự cố.
———-
2. Đa dạng hoá không theo câu chuyện chung

Đây cũng là một sai lầm mà nhà đầu tư nghiệp dư thường mắc phải, cũng như Mộ Dung Phục vậy, chỉ luyện hình mà không luyện ý, dễ dẫn tới tẩu hỏa nhập ma, thất bại trong tức tưởi.
Nếu như ngây thơ, chỉ nghĩ rằng mua nhiều cổ phiếu cùng ngành đã là đa dạng hóa danh mục, thì sẽ là một sai lầm. Hãy nhìn ngành cao su, khi PHR là ngôi sao, nhưng thực sự sóng của PHR xuất phát từ câu chuyện KCN, là câu chuyện riêng của PHR chứ không phải là câu chuyện chung của ngành cao su. Nhóm có câu chuyện chung với PHR phải là nhóm KCN, chứ không phải nhóm cao su, phân bổ vào nhóm cao su chỉ làm gia tăng nguy cơ “lỡ tàu” mà thôi.
———-
3. Chỉ đa dạng hoá bằng cổ phiếu

Đây là một sai lầm chí mạng của nhiều người, hệ luỵ của việc đóng khung tư duy khi đầu tư. Danh mục ở đây, không nên hiểu chỉ là một tập hợp cổ phiếu, mà NĐT cần nhìn rộng hơn, là một tập hợp các tài sản, bao gồm có cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí tiền mặt!
Nói như vậy để giải thích tại sao, vào tháng 4/2018, thị trường đạt đỉnh, toàn bộ thị trường sụp đổ, và những ai thực hành “Đa dạng hóa danh mục” cũng đều chết thảm, chủ yếu là do những nhà đầu tư này chỉ đa dạng hóa danh mục bằng cổ phiếu. Một tài sản rất hữu hiệu lúc đó, nhưng lại không nằm trong tư duy đa dạng hoá của nhà đầu tư, chính là trái phiếu, phái sinh, hoặc đơn giản nhất, đơn thuần là tiền mặt!
———-
Tổng kết lại, tôi không chê trách bất kỳ phương pháp đầu tư nào. Tuy nhiên, NĐT cần đặt lên bàn cân các phương pháp đầu tư, cân nhắc năng lực và mục tiêu của bản thân, để lựa chọn “Bạch thủ” hay “Đa dạng hóa danh mục”.
Một điều quan trọng nữa nhà đầu tư thật sự cần cân nhắc, đó là sự ổn định trong dài hạn. Đây là lý do chính khiến tôi thực hiện Đa dạng hóa danh mục, đánh đổi một chút lợi nhuận ngắn hạn của mình để nuôi dưỡng sự thành công trong dài hạn, tựa như Tư Mã Ý nhờ sống lâu mà thống nhất Tam Quốc vậy.

Nguồn: Facebook Huỳnh Tuấn – Bienantoan.

Danh mục: KIẾN THỨC ĐẦU TƯ , Quản trị rủi ro
Chia sẻ:

Xin chào, tôi là Phạm Duy, Founder của Uptrend.vn. Tôi chia sẻ về kiến thức chứng khoán và đầu tư.

App Uptrend
live-chat live-chat live-chat