Điểm mua pocket Pivot – chỉ báo phá vỡ nền giá sớm

Trong các tài liệu của O’Neil, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan đến các điểm mua “pivot point” khi cổ phiếu vượt đỉnh mới, cũng như các điểm mua phá vỡ đường xu hướng, hoặc điểm mua phá vỡ đường trung bình động, nhưng bạn sẽ không tìm thấy định nghĩa nào về điểm mua “Pocket Pivot”. Điều này là do khái niệm “Pocket Pivot” về căn bản là một điểm mua sớm so với các kỹ thuật mua truyền thống của O’Neil, được một đệ tử chân truyền của O’Neil là Tiến sỹ Chris Kacher phát triển vào năm 2005 sau rất nhiều nghiên cứu được thực hiện với mục đích rõ ràng là tìm kiếm một giải pháp mua tốt hơn cho các thị trường phẳng, nén chặt và hơi đi ngang vào giữa thập niên 2000. Những thị trường như vậy hoàn toàn trái ngược với thị trường có xu hướng mạnh mẽ, rõ ràng trong thập niên 1980 và 1990. Nói một cách đơn giản, điểm mua “Pocket Pivot” là một chỉ báo phá vỡ nền giá sớm. Điểm Pocket Pivot được thiết kế để tìm kiếm các điểm pivot có thể mua sớm ở bên trong nền giá, trước khi cổ phiếu thực sự xuất hiện điểm mua phá vỡ nền giá. Chi tiết về chiến lược mua sớm này được trình bày rất chi tiết trong cuốn sách mà KNT và TMH biên dịch với tựa đề tiếng Việt: “Giao dịch như đệ tử chân truyền của O’Neil”.

Nói về cơ duyên với cuốn “Giao dịch như đệ tử chân truyền của O’Neil”, do hay chia sẻ những nghiên cứu của bản thân về chứng khoán, nên trong một lần chia sẻ thảo luận về chiến lược mua sớm hiệu quả cao mà bản thân KNT tự phát triển trong room đầu tư, KNT được anh Trương Minh Huy giới thiệu cách mua tương đồng (nhưng toàn diện hơn cách của tôi) là điểm mua Pocket Pivot, trong cuốn sách Trade Like an O’Neil Disciple. Điểm mua KNT tạo ra, tương đồng với Pocket Pivot, cũng vì mục đích tương tự, là tìm kiếm một giải pháp để mua sớm  hơn so với các điểm mua phá vỡ cổ điển. Theo các quan sát của bản thân, KNT phát hiện thấy rất nhiều cổ phiếu lên giá rất tốt sau khi tăng vượt qua đường MA10 ngày với khối lượng cao hơn mức trung bình 5 ngày, nhất là khi cổ phiếu đã có giai đoạn tích luỹ trong biên độ giá chặt chẽ và volume cạn kiệt khoảng 5 ngày trước đó. Dĩ nhiên là vùng chặt chẽ này phải nằm bên trong một nền giá tích luỹ tổng thể kéo dài trên 7 tuần như nguyên lý nền giá của CANSLIM.

Chris Kacher – người khai sinh ra điểm mua pocket pivot, đã tổng kết 10 quy tắc của điểm mua pocket pivot như sau:

1. Cũng như các điểm mua phá vỡ nền giá, các điểm mua pocket pivot thích hợp sẽ xuất hiện bên trong nền giá (điểm mua sớm), hoặc khi thoát khỏi các mô hình nền giá kiến tạo (điểm  Pocket Pivot trùng với điểm phá vỡ nền giá, và điểm Pocket Pivot tiếp diễn).

2. Các yếu tố cơ bản của của cổ phiếu phải mạnh mẽ, tức là thể hiện sự xuất sắc về kết quả kinh doanh, doanh số, tỷ suất lợi nhuận trước thuế, ROE, dẫn đầu mạnh mẽ một nhóm ngành, v.v. (Theo tôi, đây là tiêu chí đặc biệt quan trọng cần phải có để điểm pocket pivot có hiệu quả cao).

3. Khối lượng trong ngày pocket pivot phải lớn hơn khối lượng của ngày giảm giá có khối lượng cao nhất trong 10 ngày trước đó. [Cụm nến 10 ngày gần nhất này có thể được coi là một mẫu hình, và điểm pocket pivot thực chất là một mẫu hình biểu đồ (Chart patern)].

4. Nếu pocket pivot xảy ra trong một xu hướng tăng sau khi cổ phiếu đã xảy ra điểm mua phá vỡ, thì nó sẽ phải thể hiện hành động kiến tạo xung quanh đường 10-dma. Nó có thể giảm cắt xuống dưới đường 10-dma miễn là sau đó giá phục hồi với sự gia tăng khối lượng lên cao hơn ngày giảm giá có khối lượng cao nhất trong 10 ngày trước đó.

5. Pocket Pivots đôi khi trùng với các điểm mua phá vỡ nền giá hoặc trung với điểm mua khoảng trống tăng. Lúc này Pocket pivot có thể được coi là làm tăng thêm sức mạnh cho hai điểm mua phá vỡ nền giá và điểm mua khoảng trống tăng.

6. Không mua ở điểm Pocket pivot nếu nó hình thành trên một đồ thị tổng thể đang trong xu hướng giảm nhiều tháng (5 tháng hoặc lâu hơn). Tốt nhất là đợi phần đáy tròn của nền giá (the rounding part of the base) hình thành trước khi mua.

7. Không được mua ở điểm Pocket pivot nếu cổ phiếu nằm dưới các đường trung bình động quan trọng như 50-dma hoặc 200-dma. Nếu cổ phiếu nằm dưới 50-dma và nhận được sự hỗ trợ gần 200-dma thì có thể mua được với điều kiện nền giá là nền giá kiến tạo.

8. Không được mua ở điểm Pocket pivot nếu cổ phiếu hình thành một kiểu đồ thị hình chữ “V”, tức là cổ phiếu bị bán mạnh xuyên thủng 10-dma hoặc 50-dma sau đó bắn vọt thẳng trở lại như một chữ “V”. Kiểu vận động này rất dễ bị thất bại.

9. Tránh mua ở điểm Pocket pivot xảy ra sau mô hình cái nêm (wedging patterns).

10. Một số Pocket pivot có thể xảy ra sau khi cổ phiếu đã tăng mở rộng từ nền giá. Nếu Pocket pivot này xảy ra ngay gần đường 10-dma thì có thể mua được, nếu xa đường 10-dma thì nó được coi là đã tăng mở rộng và nên tránh. Hãy cho đường 10-dma cơ hội để bắt kịp cổ phiếu, là nơi mà cổ phiếu sẽ củng cố (consolidate) trong vài ngày trước khi điểm mua Pocket pivot thích hợp xảy ra.

VÍ DỤ TUYỆT VỜI NHẤT LÀ MÓN LỢI NHUẬN RẤT LỚN CHÚNG TÔI ĐÃ KIẾM ĐƯỢC TỪ ĐIỂM MUA POCKET PIVOT TRÊN CỔ PHIẾU VIB. KHI MUA TẠI ĐIỂM POCKET VÀO NGÀY 7 VÀ 8 THÁNG 7 NĂM 2020, BẠN SẼ CÓ LỢI THẾ GIÁ VỐN VÀ KHÔNG BỊ RŨ BỎ KHỎI CỔ PHIẾU NÀY VÀO ĐỢT COVID LẦN 2 XẢY RA CUỐI THÁNG 7 KHỞI NGUỒN TỪ ĐÀ NẴNG.

Tiếp đó là điểm  mua Pocket Pivot sau cú rũ bỏ rung lắc cực mạnh  trên TCB, cổ phiếu mà chúng tôi đánh giá là cơ hội  đầu rất lớn của năm nay tại bài viết: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) – the biggest deal. Còn rất nhiều ví dụ mà chúng tôi sử dụng điểm mua này để tóm được những khoản lợi nhuận cực lớn, bạn có thể xem lại trong các bản tin báo cáo hằng ngày hoặc trên mục cổ phiếu tiềm  năng trên trang web này.

Cập nhật thêm 1 lần gần đây tôi sử dụng Pocket Pivot để mua trading cổ phiếu là trên VCS vào tháng 6/2024. Tính tới ngày 7/6 hôm nay, VCS đã tăng giá nhanh chóng khoảng 12% chỉ sau 2 phiên GD.

Nguồn bài viết: https://nhadaututhanhcong.com/diem-mua-pocket-pivot-chi-bao-pha-vo-nen-gia-som/