Giai đoạn mới của thị trường chứng khoán 2024 – đầu tư tăng trưởng sẽ lên ngôi.


Lý do khiến chúng ta hay bán tháo đúng đáy thị trường là vì chúng ta sợ thị trường chung sẽ giảm sâu, kéo theo các cổ phiếu giảm giá mạnh, gây thua lỗ lớn. Thị trường giảm sâu là đặc trưng suốt thời kỳ covid đến cuối 2023 vừa qua, nên tạo nổi ám ảnh lớn. Đây là điều hết sức bình thường. Các cổ phiếu phần lớn cũng tăng nhiều từ đáy, nên nhìn có vẻ đáng sợ, đây cũng là điều bình thường. Cho nên, nay chúng ta bàn xem liệu thị trường có khả năng giảm sâu không? Và liệu có phải cổ phiếu tăng giá nhiều nên mặt bằng mới, nhìn PE PB cao, thì sẽ dễ xuống đồng loạt?

Trong một bối cảnh mà tiền đang thừa nhiều do cầu tín dụng kém, dẫn đến các ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm để giảm huy động, thì chỉ có một rủi ro duy nhất về vĩ mô là bị SBV hút bớt tiền nhằm điều hành tỷ giá. Vì lãi suất thấp là do cầu tín dụng kém sinh ra, cầu tín dụng kém khi kinh tế kém, nên các chỉ tiêu kinh tế đều xấu cả, dẫn đến lãi suất thấp kéo dài. Các chỉ báo kinh tế vĩ mô có gì tốt đâu mà chê nó xấu? Chính sách tiền tệ kích thích kinh tế không hiệu quả, cuối cùng làm tiền nội tệ yếu đi, thì phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng để điều hành tỷ giá, thì sang năm mới có dư địa mà kích tiếp. Vì vậy năm 2023 thị trường sập mạnh tháng 9  tháng 10 do SBV hút tiền ép tỷ giá. Còn năm nay, SBV cho phép tỷ giá tăng chứ có ép đâu, để kinh tế mạnh lên, cuối năm tiền đô la về nhiều, tự khắc nội tệ mạnh lên, và FED giảm lãi suất điều hành, thì tự nhiên tỷ giá hạ. Cho nên tôi cho rằng vĩ mô đoạn này chẳng có gì xấu cả, SBV đã lộ rõ ý đồ để tý giá tăng rồi, trong khi kinh tế vào pha phục hồi rồi, sẽ không có cú shock vĩ mô để sập mạnh như năm 2023 và 2022. Tỷ giá tăng không phải lúc nào cũng là xấu, trong bối cảnh ưu tiên tăng trưởng kinh tế và chấp nhận để tỷ giá trượt lên cận trận như bây giờ thì “TỶ GIÁ TĂNG LÀ TỐT”. Vì quan trọng không phải là tỷ giá tăng hay giảm, mà quan trọng là tỷ giá tăng nhưng SBV vẫn làm ngơ, là tín hiệu cho thấy SBV ĐANG QUYẾT LIỆT NỚI LỎNG TIỀN TỆ!

Điều nữa, là sóng tăng vừa rồi của index là do cổ phiếu bluechip, bản thân cổ phiếu bluechip sau sóng tăng luôn có sự kế thừa thành quả, giữ được giá ở vùng giá mới, chứ không phải tăng từ đâu sẽ quay về đó như cổ phiếu nhỏ hơn, nhất là trong giai đoạn đầu chu kỳ kinh tế mới hiện nay.

Câu chuyện chạy đua để kịp nâng hạng thị trường FTSE sắp tới cũng là yếu tố quan trọng giúp Bluechip giữ giá/tăng giá, thành bệ đỡ cho thị trường không giảm sâu. Nâng hạng là cuộc chơi lớn mà ban lãnh đạo các công ty vốn hoá lớn phải có sự chuẩn bị trước, cuộc chơi lớn để đóng lượng vốn rất lớn từ quốc tế, chứ không phải chỉ đẩy lên để bán cho nhà đầu tư cá nhân kiếm tý tẹo rồi lại cho xuống như cổ phiếu lởm. Các các quỹ cũng sẽ tham gia mạnh nhóm bluechip trước khi nâng hạng thực sự diễn ra làm cho nhóm bluechip không xuống. Vậy, có thủ môn giỏi là Bluechip phòng thủ rồi, nên không sợ giảm sâu.

Về phía hàng tấn công, chúng ta có kinh tế phục hồi tạo niềm tin đầu tư và kinh doanh, câu chuyện nâng quan hệ với Mỹ và tham gia vào chip-AI chứ không còn giới hạn ở các ngành thâm dụng lao động, chuyện SBV để tỷ giá trượt lên cận trần và ép tỷ giá chợ đen giảm bằng cách bắt buôn lậu vàng có thể làm đảo chiều dòng vốn ngoại sang mua ròng – đánh dấu bằng việc Fubon bắt đầu mua ròng phiên 9/4 300 tỷ (xem thêm ở bài viết bàn về ý đồ của SBV trong điều hành tỷ giá bên dưới)…

https://nhadaututhanhcong.com/ban-ve-van-de-ty-gia-va-y-do-cua-ngan-hang-nha-nuoc-trong-dieu-hanh-ty-gia-nha-dau-tu-phai-lam-gi-khi-nhnn-cho-phep-ty-gia-tang/embed/#?secret=e90JgLF0e2#?secret=ETSzhV7FGW

Một cầu thủ tấn công nữa là dư nợ tín dụng cho bất động sản chu kỳ tới sẽ co hẹp dần, từ mức 22% cả tiêu dùng và cho vay chủ đầu tư trước đây (vay tiêu dùng BDS chiếm 65%, 35% cho vay chủ đầu tư phát triển dự án), vì với chính sách đất đai hiện tại thì làm BDS sẽ khó ăn hơn, hiệu suất đầu tư dự án có khi không bằng làm sản xuất, trong khi đỉnh cao trào nhu cầu mua BDS theo sóng chi tiêu thế hệ có lẽ đã qua rồi (*). Nên tỷ lệ tín dụng cho BDS sẽ nằm im hoặc đi xuống, kể cả tín dụng cho ngành xây lắp BDS cũng vậy, vì tăng trưởng tín dụng chung mỗi năm +15%, tín dụng BDS sẽ bị bỏ lại phía sau. Với cơ cấu tín dụng mới như vậy sẽ làm cho lãi suất cho vay và lãi suất huy động nằm ở mặt bằng thấp mới so chu kỳ trước, là động lực để dòng vốn chảy trực tiếp và gián tiếp vào chứng khoán tăng lên. Cụ thể, lãi suất huy động sẽ thấp hơn trước đây làm giảm sự hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, và lãi suất cho vay chu kỳ mới cũng giảm hơn trước đây làm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp nhờ đó tăng lợi nhuận sau thuế, PE giảm đi, nên giá cổ phiếu tăng lên, thị trường bền vững hơn.

Kênh đầu tư bất động sản kém hấp dẫn hơn nhiều trong chu kỳ tới cũng là lý do thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn. Vì giảm 1 kênh đầu tư có thể cạnh tranh vốn với chứng khoán.

Thị trường trái phiếu cũng phát triển một cách chọn lọc hơn, không bừa bãi như trước, cũng giải phóng 1 lượng tiền lớn, giảm năng lực cạnh tranh vốn của thêm 1 đối thủ cạnh tranh vốn của TTCK, qua đó tăng triển vọng dài hạn cho thị trường chứng khoán thêm một tầng nữa.

Hàng tấn công toàn sao này giúp thị trường ổn định ở vùng cao mới, và các cổ phiếu cũng ổn định giá. Ta đã quen với cách đánh dễ dãi trong bong bóng covid khi đa số cổ phiếu đều lên mạnh từ đáy sâu, và trong giai đoạn phục hồi từ đáy 2023 khi đa số cổ phiếu đều giảm về rất rẻ cộng với tiền thừa lãi suất tiết kiệm thấp do tín dụng tăng kém. Nay tín dụng tăng trưởng từ âm sang dương, đánh dấu giai đoạn chuyển từ thu hẹp nợ sang mở rộng nợ trở lại, vậy tiền rẻ do tiền thừa năm 2023 sẽ không còn nữa. Mà tiền sẽ đi vào nền kinh tế qua cánh cổng tín dụng, dòng tiền đi vào nền kinh tế trở thành dòng vốn, tạo ra việc làm mới, tạo ra giá trị thặng dư, tạo ra đô la mang về cho đất nước, và quan trọng hơn là tạo ra nhu cầu tín dụng mới, qua đó thúc đẩy tín dụng tăng trưởng thêm nữa, tạo thêm tiền trong xã hội. Xưa kia tiền thừa tiền rẻ, giá cổ phiếu rẻ, quen với điều này rồi, nên đa số dân đầu tư, kể cả những người lâu năm, đều đang cảm nhận thấy cổ phiếu trên thị trường bây giờ đa phần định giá đắt quá theo PE PB. Thực ra đa số thời gian trên thị trường, trừ covid và sau khủng hoảng vỡ bong bóng 2023, thì thị trường sẽ luôn ở trạng thái nhìn đa số các mã cổ phiếu đều đắt, không đủ hấp dẫn để đầu tư giá trị giá rẻ, và tiền cũng không quá thừa thãi để đẩy tất cả lên giá. Giá rẻ, tiền rẻ chỉ xuất hiện sau những cú shok cực lớn như khi covid bắt đầu xuất hiện, và như sau giai đoạn vỡ bong bóng vào đầu năm 2023 (đỉnh 2022, đáy cuối 2022 đầu 2023), giờ vĩ mô tốt thế này rồi thì không còn cú shock có thể đoán trước nữa, nên trạng thái thị trường sẽ ở dạng đa số đều đắt là bình thường, chỉ khi có sự cố nào đó bất ngờ thì giảm chớp nhoáng, rồi lại ổn định. Và nhìn khắp nơi lại thấy cổ phiếu đắt, không hấp dẫn.

Trong môi trường này, cơ hội đầu tư chỉ xuất hiện trên một vài nhóm ngành nhất định, trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường. Tức là, cho đến một thời điểm nào đó trong chu kỳ, một hai ngành nào đó gặp khúc thuận lợi trong chu kỳ kinh tế, thì các cổ trong ngành sẽ tăng mạnh lợi nhuận làm PE tụt sâu, giúp giá cổ phiếu bứt phá, từ cổ phiếu đắt thành cổ phiếu rẻ hấp dẫn để đầu tư. Các ngành sẽ thay nhau dẫn dắt, tạo ra những cổ phiếu hấp dẫn mới. ví dụ bây giờ HAX không bán được xe vì nhu cầu kém, thì nó đang đắt, không hề hấp dẫn, không rẻ để đầu tư giá trị, nhưng cũng không xấu đến mức chủ doanh nghiệp và đồng minh phải tháo chạy, nên giá không xuống sâu hơn dù PE không rẻ. Nhưng ví dụ 2 năm sau, khi kinh tế tăng tốc, niềm tin tiêu dùng tốt hơn, dân mạnh dạn mua và vay mua xe, thì HAX lãi to, thì từ PE cao lại thành PE rẻ, và lại là cơ hội để đầu tư tăng trưởng. Chính đặc điểm này là lý do mấy bữa trước T có nói rằng “thị trường đã bước sang giai đoạn đầu tư tăng trưởng sở trường”. Nếu thời đầu tư giá trị là đa số các cổ đều rẻ sau những cú shock – nên tăng đồng loạt – mua gì cũng lãi, nếu thời bong bóng là tăng điên cuồng, cứ múc là ăn… Thì thời đầu tư tăng trưởng là tăng phân hoá, tức là chỉ có một vài ngành có hiệu suất tốt hơn phần còn lại, nên chỉ có số ít cổ phiếu tăng giá tốt, còn lại sẽ là lên xuống dập dờn khó chịu: tăng chút thành đắt, xuống chút lại thành không đắt, và lại hồi phục… Vì vậy, thời đầu tư tăng trưởng không hề dễ ăn, muốn có lãi phải chọn đúng ngành đúng mã có tăng trưởng hoặc có bối cảnh tốt làm xúc tác, có câu chuyện riêng làm động lực, và phải kiên trì giữ mới có lãi. Ta cần hiểu và thích nghi với đặc trưng mới này để có thể bắt nhịp tốt khi đầu tư.

Tóm lại, chúng ta đã biết thị trường năm nay an toàn, khó xuống sâu, thì chúng ta cứ yên tâm giữ hàng tốt để đầu tư theo chu kỳ dài trong năm, chứ không cần phải sợ hãi bán tháo khi điều chỉnh. Và cũng phải đổi sang đầu tư tăng trưởng, với cách chơi khác với trước đây.

(*) Sóng chi tiêu thế hệ cho BDS có thể đã qua là vì Pháp lệnh dân số 1988 quy định mỗi gia đình chỉ sinh  2 con, cứ cho là tới 1993 mới tuân thủ pháp lệnh hoàn toàn, thì độ tuổi 1993-1980 nay đã 30 – 44 tuổi, đến tuổi mua nhà rồi, nên đã an cư lạc nghiệp vãn vãn rồi. Chính cầu mua nhà rất lớn từ nhóm này tạo ra sóng tăng cho bất động sản mấy năm qua, vì chỉ có đầu cơ khi cầu lớn hơn cung, làm nhiều người cùng ôm BDS để bán cho người sau. Còn khi cầu kém dần đi, do sau pháp lệnh dân số 1988 là mỗi nhà 2 con thôi, sức mua chắc chắn giảm mạnh, ko phải 4 con như trước, vì gia đình 2 con thì gần như được thừa kế đất đai từ hai bên nội ngoại đã đủ an cư rồi, 4 con thì mới phải lo mua thêm đất, vậy tự nhiên cầu thực giảm làm xu hướng giá BDS đi ngang hoặc chỉ nhích nhẹ, qua đó đầu cơ sẽ giảm đi. Chính phủ cũng đã tính toán điều này rồi nên từ 2018 đã siết pháp lý dự án mới, tránh tạo quá nhiều nguồn cung cho thị trường.

Tác giả : Khúc Ngọc Tuyên
Link : BÀI VIẾT GỐC